Theo phản ánh của bà Hường, Công văn số 6797/BYT-KCB ngày 19/8/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa lần đầu và cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa đối với bác sĩ có nêu: "Chỉ cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu đối với: Chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; bác sĩ đa khoa có chứng chỉ chuyên khoa định hướng được đào tạo tuyển sinh trước ngày 9/7/2019 với thời gian từ 6 tháng trở lên, và thực hành đủ 18 tháng theo chuyên khoa định hướng đã đào tạo".
Công văn số 787/BYT-KCB ngày 2/2/2021 của Bộ Y tế về việc thực hiện cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề là bác sĩ hướng dẫn: "Tiếp tục cấp bổ sung phạm vi chuyên môn đối với bác sĩ có phạm vi chuyên môn là đa khoa hoặc chuyên khoa đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh sau khi có thêm văn bằng chuyên khoa I hoặc chuyên khoa II và người hành nghề có đơn được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn theo đúng chuyên khoa đã được đào tạo".
Hiện tại các trường đại học có đào tạo sau đại học quy định điều kiện dự thi sau đại học là đối tượng dự thi: "Có chứng chỉ hành nghề, trường hợp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn khác với chuyên ngành dự thi thì phải có xác nhận của thủ trưởng đơn vị về thâm niên công tác tối thiểu 12 tháng trong chuyên ngành đăng ký dự thi".
Căn cứ các hướng dẫn trên, bác sĩ tốt nghiệp từ năm 2018 trở lại đây sẽ không thể có chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa trước ngày 19/7/2019 để thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa lần đầu. Để có 1 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chuyên khoa cận lâm sàng sẽ phải mất tối thiểu 5 năm từ khi được tuyển dụng, cụ thể:
Bác sĩ sau khi tuyển dụng sẽ phân công về khoa lâm sàng, thực hành đủ 18 tháng theo quy định để cấp chứng chỉ hành nghề theo 1 trong 4 khoa lâm sàng (Nội, Ngoai, Sản, Nhi).
Sau đó chuyển về khoa cận lâm sàng công tác đủ 12 tháng trở lên để đủ điều kiện dự thi sau đại học chuyên khoa cận lâm sàng.
Sau khi có bằng chuyên khoa I cận lâm sàng thì mới bổ sung lĩnh vực theo chuyên khoa đã được đào tạo.
Bà Hường cho rằng các quy định trên sẽ rất khó khăn cho nguồn nhân lực khám, chữa bệnh chuyên khoa cận lâm sàng. Bà đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể bỏ quy định điều kiện dự thi sau đại học là có chứng chỉ hành nghề mới được dự thi, vì thực tế khi học viên đi học sau đại học cũng không được phép hành nghề tại cơ sở đào tạo, mà chỉ là học việc.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế, nhiều chủ trương, chính sách và hệ thống thể chế về đào tạo nhân lực y tế đã và đang được xây dựng và hoàn thiện.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa XII đã khẳng định "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, với nhiều nội dung quy định cụ thể về đào tạo nhân lực y tế, trong đó xác định rõ hai hướng đào tạo trong lĩnh vực y tế là hướng nghiên cứu (hàn lâm) và hướng thực hành (hành nghề, đào tạo chuyên khoa).
Hiện tại, Bộ Y tế được giao làm đầu mối xây dựng và đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ để kịp thời điều chỉnh các quy định về đào tạo chuyên khoa trong thời gian tới cho phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang được Bộ Y tế hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2022, trong đó xác định vai trò của Hội đồng Y khoa Quốc gia và việc tổ chức thi kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo như mô hình của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng...
Như vậy, để nguồn nhân lực y tế đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và y đức thì việc tuyển chọn, đào tạo trong một thể chế đạt chuẩn theo hướng hội nhập quốc tế là cực kỳ quan trọng.
Bộ Y tế tiếp thu đề nghị này và sẽ có điều chỉnh trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nói trên cho phù hợp với thực tiễn.
Chinhphu.vn