Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 90.626 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp.
Riêng tại Hà Nội, đến thời điểm này đã ghi nhận 17.027 bệnh nhân mắc SXH, 7 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt và Quốc Tử Giám, Đống Đa; phường Giáp Bát và phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai; phường Cống Vị, Ba Đình; phường Quang Trung, Hà Đông và phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân.
Tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đang đứng thứ hai cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về số ca mắc SXH.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội hiện có 12 quận/huyện ở mức độ báo động đỏ; 5 quận/huyện báo động da cam; 13 quận/huyện còn lại có số ca mắc thấp hơn.
Thành phố đã và đang tập trung nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện hai mục tiêu là diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng thời gian vừa qua.
Hiện 30 quận, huyện đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy; 4.600 tổ giám sát. Thành phố cũng đã nhận hỗ trợ của 22 tỉnh với 25 máy phun công suất cao, 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai và tiến hành phun hóa chất diện rộng tại 165 xã, phường/384 xã, phường.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, Hà Nội đã khống chế được 1.328 ổ dịch, đạt 80%. Sau một tuần quyết liệt phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, hiện nay mật độ muỗi đã gần bằng 0.
Số lượng ca mắc SXH của Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là giảm nhưng chưa đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường vì thời tiết mưa dài ngày dự báo vẫn diễn ra, lãnh đạo Sở Y tế chia sẻ.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, dịch SXH năm nay sớm hơn mọi năm và theo chu kỳ thì thời điểm này vẫn chưa phải là đỉnh điểm của dịch nên nếu không tiếp tục làm quyết liệt thì dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng.
Hiện nay, để tăng cường cho khối điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Sở Y tế Hà Nội cần huy động các sinh viên trường y, thành lập tổ đi các bệnh viện, hướng dẫn người dân, kiểm tra và hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần phân loại bệnh nhân quyết liệt hơn nữa, phân độ để điều trị, tránh quá tải.
So với miền Trung và miền Nam, SXH tại Hà Nội không nguy hiểm bằng, tuy nhiên các ca bệnh vẫn chưa giảm. Vì vậy, Hà Nội phải tiếp tục tập trung vào diệt bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, phải tiến hành diệt muỗi, các ổ bọ gậy định kỳ 7 ngày/lần mới đạt hiệu quả phòng dịch.
Đồng thời, tiếp tục truyền thông để mọi người dân cùng tham gia diệt muỗi, diệt bọ gậy, cùng thực hiện phối hợp phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, nhất là ở những địa điểm tập trung đông người như trường học, chợ...
Thuý Hà