Theo trả lời của Sở Y tế, sau khi học xong thạc sĩ giải phẫu bệnh, ông Tuấn sẽ phải đi thực hành 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề đa khoa/chuyên khoa (Nội, Ngoại, Sản, Nhi), sau đó lại tiếp tục học thêm các chứng chỉ chuyên ngành, rồi đi thực hành giải phẫu bệnh 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề giải phẫu bệnh.
Khu vực Tây Nguyên hiện tại mỗi tỉnh chỉ có vài bác sĩ giải phẫu bệnh đủ điều kiện hành nghề và con số này ngày càng ít đi, phần nhiều do ngành quá khó, nay thêm vướng mắc các thủ tục hành chính nên càng khó khăn hơn.
Ông Tuấn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho các trường hợp như ông được cấp chứng chỉ hành nghề.
Về vấn đề này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trả lời như sau:
Hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP có quy định về loại giấy tờ và văn bằng chuyên môn được sử dụng để cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
"3. Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền".
Như vậy, đối với văn bằng thạc sĩ y học không được quy định trong Nghị định số 109/2016/NĐ-CP là loại văn bằng được sử dụng để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Về ý kiến phản ánh của ông Tuấn, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ nghiên cứu, xem xét báo cáo Lãnh đạo Bộ để có quy định phù hợp trong thời gian tới.