Ảnh minh họa |
Vì vậy, việc tăng cường giám sát phản ứng sau tiêm chủng để phát hiện sớm và xử trí các tai biến xảy ra sẽ góp phần làm giảm diễn biến nặng các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, giúp cho người dân yên tâm và tin tưởng vào việc tiêm chủng phòng bệnh.
Để tăng cường an toàn tiêm chủng và giám sát các phản ứng sau tiêm chủng được hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế.
Đồng thời, các Sở Y tế phải chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các hoạt động về tiêm chủng an toàn trên địa bàn: Bảo đảm việc thực hiện sử dụng, bảo quản, phân phối vắc-xin, sinh phẩm y tế sử dụng trong tiêm chủng theo đúng quy định.
Giám sát chất lượng, an toàn của vắc-xin
Đối với Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế yêu cầu cần có kế hoạch cung cấp vắc-xin, vật tư sử dụng trong tiêm chủng mở rộng trên phạm vi toàn quốc bảo đảm đạt tỉ lệ tiêm chủng cao và đúng tiến độ. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác giám sát phát hiện sớm, điều tra phản ứng sau tiêm chủng và có phương án xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
Cục Y tế dự phòng được yêu cầu theo dõi, tổng hợp, phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sau tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Dược tổ chức thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký lưu hành, tăng cường quản lý chất lượng vắc-xin, sinh phẩm y tế lưu hành tại Việt Nam. Đình chỉ hoặc không cho phép sử dụng các vắc-xin, sinh phẩm y tế sử dụng trên phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế tiếp tục và tăng cường giám sát định kỳ và đột xuất chất lượng, an toàn của vắc-xin, sinh phẩm y tế để tiêm chủng phòng bệnh theo quy định; phối hợp với các phòng xét nghiệm quốc tế để kịp thời kiểm tra chất lượng vắc-xin, sinh phẩm y tế có liên quan đến phản ứng sau tiêm chủng.
Với các cơ sở tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị này có trách nhiệm tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng tác dụng, lợi ích và những rủi ro gặp phải khi tiêm chủng; tiến hành khám sàng lọc theo quy định để loại trừ những trường hợp chống chỉ định; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng.
Thời gian qua, chỉ trong vòng nửa tháng gần đây, từ ngày 20/12/2012 đến 5/1/2013 đã xảy ra 5 trường hợp trẻ (từ 2-3 tháng tuổi) tử vong do phản ứng sau tiêm chủng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội.
Thanh Hoài