In bài viết

Bối cảnh mới và yêu cầu với công tác tham mưu chiến lược của các cơ quan Đảng

(Chinhphu.vn) - Bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác tham mưu chiến lược của Đảng để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

03/01/2024 16:18
Bối cảnh mới và yêu cầu với công tác tham mưu chiến lược của các cơ quan Đảng- Ảnh 1.

Những năm qua, tình hình bối cảnh, cục diện thế giới, khu vực diễn biến theo hướng nhanh hơn, phức tạp hơn, thách thức nhiều hơn, gay gắt hơn, thể hiện tập trung trên những vấn đề chủ yếu sau:

Hòa bình, hợp tác, phát triển là vấn đề trọng tâm của thời đại, là nội dung cốt lõi trong chiến lược của mọi quốc gia trên thế giới, song mặt cạnh tranh dẫn tới nguy cơ xung đột và xung đột gia tăng đáng kể. Tiêu biểu nhất của xu hướng này là cuộc xung đột ở Ukraine, các cuộc xung đột ở Trung Đông, mới nhất là ở dải Gaza…

Quá trình toàn cầu hóa đang ở chặng giảm tốc, suy yếu. Hơn một thập niên qua, những biểu hiện như nước Anh rời khỏi EU; Hoa Kỳ rời khỏi TPP; chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng cả cường độ và quy mô; bùng phát chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương, chính sách chống nhập cư, phục hồi chính trị cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ thương mại… đang cản trở và làm suy yếu toàn cầu hóa. Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sâu rộng chưa từng có, đến nay vẫn khó dự báo. Sự giảm tốc và suy yếu của toàn cầu hóa đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng: Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các dòng vốn đầu tư bị hút mạnh về thị trường Hoa Kỳ, dư địa phát triển của nhiều nước ngoại vi bị thu hẹp, nhất là các quốc gia thực hiện mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Tình trạng lạm phát gia tăng, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, thảm họa nhân đạo, ô nhiễm môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu…

Từ thập niên cuối thế kỷ XX đến nay diễn ra sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Sự trỗi dậy của các quốc gia này thúc đẩy cục diện thế giới biến đổi mạnh theo xu hướng đa cực, đa trung tâm nhanh hơn. Trong bối cảnh này, sự cọ xát, cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn đang gia tăng tính quyết liệt, gay gắt và tác động sâu rộng đến kinh tế, chính trị, an ninh toàn thế giới, nhất là đối với châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra nhiều thách thức mới khó lường với khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, đói nghèo, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… là những vấn đề gay cấn và thách thức to lớn. Trong đó, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước, đang thách thức rất nghiêm trọng đến an ninh và phát triển của nhiều quốc gia, khu vực. Do đó cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang rất gay gắt và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, an ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp biển, đảo ngày càng quyết liệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh các tuyến đường hàng hải và an ninh môi trường biển, an ninh các nguồn lợi hải sản.

Sau hơn hai thập niên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa tới những chuyển biến sâu sắc về mọi mặt như cơ cấu và phương thức sản xuất, kinh doanh sự vận hành của hệ thống tài chính – tiền tệ, cơ cấu và chất lượng lao động, phương cách làm việc và lối sống của con người, phương tiện và phương thức đảm bảo quốc phòng an ninh… Nền kinh tế thế giới đang bước vào thời đại mới về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, mang đến những thay đổi sâu sắc trong quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội.

Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển hàng đầu với sự hiện diện của nhiều nước lớn và các nền kinh tế năng động, nằm trên tuyến hàng hải, hàng không sôi động bậc nhất thế giới, nơi hiện diện các liên minh, tổ chức, thể chế đa phương. Nhưng những năm gần đây và sắp tới, cạnh tranh quyền lực, tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực này diễn ra căng thẳng, phức tạp và quyết liệt hơn, đặt châu Á-Thái Bình Dương trước thách thức bị chia rẽ, đe dọa xu thế hợp tác và hội nhập khu vực, kích động bùng phát mâu thuẫn giữa các nước cũng như mâu thuẫn nội bộ từng quốc gia.

Cộng đồng ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm thông qua cơ chế, các diễn đàn ARE, ADMM+, Shangri-La, EAS… để duy trì hòa bình ổn định khu vực. Tuy nhiên, ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức, khiến cho tính thống nhất của ASEAN có dấu hiệu giảm sút, vai trò trung tâm của khối bị thách thức ngày càng lớn.

Trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trước những nguy cơ thách thức mới nảy sinh, Văn kiện Đại hội XIII xác định: "Bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới".

Bối cảnh mới và yêu cầu với công tác tham mưu chiến lược của các cơ quan Đảng- Ảnh 2.

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

Để tận dụng cho được thời cơ vận hội, hóa giải và vượt qua mọi khó khăn thách thức cả cũ và mới, Đảng ta phải giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề phức tạp hơn, để hiện thực hóa thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các cơ quan Đảng Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược với hai chức năng chủ yếu: (i) Tham mưu xây dựng cương lĩnh đường lối chính sách của Đảng và tham mưu tổ chức thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối chính sách; (ii) Tham mưu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra giám sát.

Để làm tròn hai chức năng trọng đại này trong bối cảnh mới, đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, cụ thể:

Từng cán bộ và tập thể cơ quan tham mưu chiến lược phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, tư duy khoa học theo chủ nghĩa duy vật biện chứng để hiểu biết sâu sắc đời sống xã hội hiện tại và dự đoán một cách khoa học sự phát triển của xã hội tương lai. Do đó, cần cấp thiết đào tạo bồi dưỡng, phát triển năng lực tư duy cho đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược của các cơ quan Đảng Trung ương, mở đầu với chuyên đề: Nâng cao năng lực tư duy, tư duy lý luận và phương pháp rèn luyện phát triển năng lực tư duy lý luận. 

Coi trọng rèn luyện bản lĩnh, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx–Lenin tư tưởng Hồ Chí Minh, thực sự thấu triệt cương lĩnh, đường lối Đại hội XIII, các nghị quyết chỉ thị, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đấu tranh khắc phục những biển hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa"; thực sự kiên định vững vàng trong mọi tình huống, trung thực và kiên quyết chống lợi ích nhóm trong công tác tham mưu. 

Bám sát thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, thực tiễn xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh để nỗ lực rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhất là năng lực tổng kết thực tiễn, xem xét đánh giá những vấn đề mới phát sinh để từ đó có tham mưu chiến lược đúng, trúng. Điều này đòi hỏi cán bộ và cơ quan tham mưu chiến lược phải thực hiện đầy đủ tư tưởng chỉ đạo: Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật. 

Thực sự đổi mới phương thức công tác: Tiếp tục phát huy biện pháp, phương thức đúng; phương pháp, biện pháp nào đúng nhưng làm sai thì làm lại cho đúng; kiên quyết loại bỏ phương pháp lạc hậu, lỗi thời; sáng tạo những phương pháp mới, phù hợp với bối cảnh mới, đáp ứng được yêu cầu. 

Để làm tốt công tác tham mưu chiến lược trong bối cảnh mới, các cơ quan tham mưu, nhất là ban lãnh đạo cần thực hiện triệt để quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; lắng nghe tiếng nói của thực tiễn, ý kiến của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các ý kiến phản biện sâu sắc. 

Xây dựng kiện toàn bộ máy các cơ quan tham mưu tinh, gọn và mạnh. Hiện đại hóa các phương tiện công tác tham mưu, thực sự đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược gắn chặt với cải cách chế độ tiền lương.

PGS.TS Đào Duy Quát

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực

Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương