Đề xuất trên được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng.
Theo dự thảo, những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc xin được Nhà nước bồi thường bao gồm: 1- Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2- Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; 3- Người được tiêm chủng bị tử vong.
Dự thảo nêu rõ mức độ bồi thường. Trong đó, thiệt hại do để lại di chứng được đề xuất bồi thường như sau: Trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng và để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được hỗ trợ bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể từ 11% - 15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% - 80%; nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được bồi thường bằng 30 lần mức lương cơ sở.
Ngoài việc được bồi thường thiệt hại theo quy định trên còn được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật theo quy định hiện hành của pháp luật về người khuyết tật.
Trình tự, thủ tục bồi thường
Theo dự thảo, người bị thiệt hại phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi cho Sở Y tế quản lý cơ sở y tế nơi xảy ra phản ứng sau tiêm chủng.
Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại. Trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm của mình thì cơ quan đã tiếp nhận phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, Sở Y tế có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp.
Theo dự thảo, kinh phí bồi thường thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc thanh toán được thực hiện như sau: Trường hợp người bị tai biến có thẻ bảo hiểm y tế và đã thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thì kinh phí bồi thường được trả lại cho Quỹ bảo hiểm y tế đối với phần chi phí do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cho người bị tai biến đối với phần kinh phí do người bị tai biến trực tiếp thanh toán. Trường hợp người bị tai biến không có thẻ bảo hiểm y tế và đã thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thì kinh phí bồi thường được trả lại cho người bị tai biến.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn