Hàng năm, Ban quản lý dự án lập dự toán chi với mức lương gồm lương ngạch bậc, thu nhập tăng thêm và 17 khoản mục chi phí. Sau đó lấy tổng dự toán chi đưa vào dự toán thu (trích dự toán thu từ chi phí quản lý của cả dự án và bằng với số dự toán chi của năm).
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính thì 3 tháng cuối năm đơn vị chỉ chi lương cơ bản không có chi thu nhập tăng thêm. Bà Mai hỏi, khoản dự toán chi còn thừa do không chi thu nhập tăng thêm 1,7 lần như 9 tháng đầu năm và các khoản chi khác trong 18 khoản mục chi phí nếu chi không hết có được xem là tiết kiệm không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước: "Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017 và thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Do vậy, năm 2017 Ban quản lý dự án được chi theo dự toán đã được duyệt đầu năm, 9 tháng đầu năm 2017 Ban quản lý dự án thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 6/1/2014 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Kể từ tháng 10/2017 áp dụng mức thu nhập tăng thêm theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính nêu trên.
Cuối năm 2017 thực hiện quyết toán theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, sau khi quyết toán năm chi không hết theo dự toán được duyệt phải chuyển sang năm sau.
(Theo mof.gov.vn)