In bài viết

Bức xúc “hình sự hóa”: Thiếu hiểu biết hay lạm quyền?

(Chinhphu.vn) - Sự việc chủ quán cà phê Xin Chào bị truy tố được Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá là ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố.

06/05/2016 15:58
LTS: Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có ý kiến về vụ việc liên quan đến quán cà phê Xin Chào, đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính. Báo điện tử Chính phủ xin giới thiệu loạt bài viết về vấn đề quan trọng này trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào - Ảnh VNN
Việc những người khởi nghiệp và kinh doanh vướng vào lao lý vốn không phải là vấn đề mới, nhưng vụ việc này tiếp tục gióng lên những cảnh báo về tư duy “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính của một bộ phận cán bộ tại cơ quan tố tụng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, đã khẳng định: “Những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che”.

Nhiều án oan vì hình sự hóa...

Trong danh sách các doanh nhân vướng vòng lao lý đã được đình chỉ vụ án và xin lỗi, ngoài ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, còn có những cái tên như Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định)...

Các doanh nhân này, người thì bị gán tội trốn thuế, người thì bị quy tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều năm, tháng bị ngồi tù, rốt cuộc họ cũng được trả tự do và đình chỉ vụ án vì cơ quan tiến hành tố tụng đã không thể buộc tội đối với những tranh chấp thương mại của họ với đối tác.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư Bắc Giang), đa phần các vụ án đã được đình chỉ, xin lỗi và bồi thường oan sai cho người bị khởi tố, truy tố, xét xử oan rơi vào 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Đối với các vụ án oan như vụ án Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén, việc kết án oan là do chứng cứ yếu và thiếu. Còn những vụ "hình sự hóa" tranh chấp thương mại, dân sự, hành chính đều xuất phát từ sai lầm do áp dụng pháp luật, đặc biệt là nhận định và quan điểm xử lý vụ án không đúng của các điều tra viên, kiểm sát viên tham gia tố tụng.

Đơn cử là vụ việc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đình chỉ điều tra sau khi có cáo trạng truy tố đối với ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Thành Luân (Nam Định) do công ty này có một tranh chấp hợp đồng đại lý bồn inox, bồn nhựa với với Công ty TNHH Tân Á.

Khi tranh chấp về công nợ giữa Công ty Thành Luân và Công ty Tân Á xảy ra, điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành tạm giữ các tài liệu liên quan đến việc kinh doanh và công nợ của Công ty Thành Luân; buộc ông Nguyễn Văn Lượng phải giao nộp 100 triệu đồng cho điều tra viên với lý do để “trả cho Công ty Tân Á”.

Sau đó, Công ty Tân Á hoàn lại cho Công ty Thành Luân 10 triệu đồng khi hai bên thống nhất đã giải quyết xong công nợ và không vướng mắc gì. Nhưng ngay cả khi hai bên đã giải quyết xong tranh chấp và không còn vướng mắc, nợ nần gì nhau, ông Nguyễn Văn Lượng vẫn bị khởi tố để điều tra về hành vi chiếm đoạt tiền của Công ty Tân Á. Rất may, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đình chỉ vụ án vô lý này.

Đâu là nguyên nhân?

Trong bất cứ vụ án oan, sai nào như vụ quán cà phê Xin Chào, dư luận đều đặt câu hỏi nguyên nhân nào dẫn đến án oan? Những người gây ra án oan thì một mực khẳng định không có động cơ cá nhân, chẳng qua là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hoặc do vụ việc có tính chất phức tạp mà cơ quan điều tra, truy tố không lường hết ngay từ đầu.

Không loại trừ nguyên nhân đến từ sự "thiếu hiểu biết" của cán bộ điều tra, truy tố. Song, nhìn vào hồ sơ các vụ án oan thì nguyên nhân này thường thiếu thuyết phục. Chẳng hạn, vụ ông Nguyễn Văn Tấn bị truy tố trước pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép đâu phải là một vụ việc quá phức tạp đến mức các cán bộ giải quyết vụ án không thể phân biệt được mức độ vi phạm của ông Tấn là vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự.

Việc liên tục, dồn dập kiểm tra, lập biên bản khi cơ sở này mới đi vào hoạt động để tạo căn cứ "đã vi phạm hành chính mà vẫn vi phạm" làm cơ sở xử lý hình sự rõ ràng là có tính toán về hồ sơ vụ việc. Nhưng rất tiếc, sự đáp ứng về hồ sơ đã không biến việc kinh doanh bình thường của ông Tấn thành hành vi nguy hiểm cho xã hội nên việc truy tố đối với ông Tấn đã gây phẫn nộ trong dư luận và đi ngược lại các chuẩn mực về đạo lý, khiến cơ quan có thẩm quyền lật lại hồ sơ vụ án. Cuối cùng, những người có trách nhiệm đã bị xử lý. Như các vụ án oan khác, yếu tố cá nhân của điều tra viên, kiểm sát viên đóng vai trò then chốt gây ra oan sai.

Mặt khác, theo Luật sư Nguyễn Minh Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) thì tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, thương mại luôn có nguy cơ cao vì ngay cả các bên tranh chấp dân sự, thương mại cũng thường có tư duy muốn đòi nợ hiệu quả bằng việc gửi đơn đến cơ quan điều tra, thay vì gửi đơn ra tòa án dân sự. Do tâm lý "nhờ công an" hiệu quả hơn khởi kiện nên trước đây và hiện nay, vẫn có rất nhiều tranh chấp dân sự không đươc giải quyết đúng pháp luật và bị “hình sự hóa”.

Điều giống nhau của tất cả các vụ việc bị “hình sự hóa” là sự bất bình của dư luận do việc xử lý không thấu tình, đạt lý và không thu phục được lòng người. Sau các vụ án này, người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy hoang mang, không an toàn. “Hình sự hóa” tranh chấp dân sự còn khiến cho hình ảnh, uy tín của các cơ quan tố tụng bị giảm sút. Do đó, tình trạng này cần phải được ngăn chặn.

Lê Sơn
(còn tiếp)