![]() |
Ảnh minh họa |
Các dự án đang được triển khai nhằm khai thác các mỏ khí đốt lớn ở ngoài khơi vùng biển phía Tây Bắc Australia có thể làm tăng gấp 4 lần lượng khí thiên nhiên hoá lỏng xuất khẩu của nước này trong vài năm tới và biến Australia trở thành một "siêu cường năng lượng" như Bộ trưởng Tài nguyên nước này đã tuyên bố.
Giới phân tích cho rằng giai đoạn bùng nổ tiếp theo của Australia sẽ kéo dài, góp phần làm hưng thịnh hơn nữa cho Australia và biến nước này thành một nhà cung cấp chủ chốt nhiên, nguyên liệu thô, vốn đang thúc đẩy sự phát triển của châu Á - từ cốt thép trong các toà nhà chọc trời ở các thành phố lớn tới nhiên liệu thắp sáng các toà nhà này.
Thủ hiến bang Tây Australia, nơi được cho là đóng vai trò trung tâm trong sự bùng nổ mới của kinh tế Australia, ông Colin Barnett tuyên bố: "Chúng ta có những gì mà thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng ở châu Á thèm muốn, đó là quặng sắt, năng lượng và khoáng sản".
Bang Tây Australia với diện tích phần lớn là hoang mạc đang bừng tỉnh với bầu không khí sôi sục chẳng khác gì thời kỳ nổ ra phong trào đổ xô đi tìm vàng trong thế kỷ 19. Làn sóng người nhập cư khiến dân số khu vực này tăng gần gấp 3 chỉ trong vòng một thập kỷ.
Với tư cách là nguồn cung cấp chủ yếu các nguyên vật liệu phục vụ cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Châu Á, Australia ngày càng bị lôi cuốn vào quỹ đạo của các nền kinh tế khổng lồ đang nổi lên là Trung Quốc và Ấn Độ.
Khí đốt được phát hiện ở vùng ven biển Tây Bắc Australia từ những năm 1970. Nhưng việc khai thác khí đốt ở đây bị tụt hậu sau hoạt động khai thác quặng sắt và than, bởi kỹ thuật khai thác than và quặng sắt dễ dàng hơn và khi đó nhu cầu đối với các tài nguyên này cũng lớn hơn. Nhưng hiện nay, việc sử dụng khí đốt đã trở nên phổ biến hơn với tư cách là một nhiên liệu sạch thay thế than trong sản xuất điện, ít thải ra các chất khí gây hiệu ứng nhà kính.
Sự bùng nổ mạnh nhất trong lĩnh vực khai thác khí đốt diễn ra vào tháng 9/2009 khi Tập đoàn Chevron cùng với các đối tác liên doanh ExxonMobil và Royal Dutch Shell tuyên bố họ sẽ xúc tiến triển khai dự án khai thác mỏ khí đốt lớn Gorgon. Theo đó, liên doanh này sẽ tiến hành khoan các mỏ khí đốt ở ngoài khơi cách bờ biển khoảng 80 dặm (130 km) nhằm khai thác trữ lượng khí đốt ước tính khoảng 40.000 tỷ feet khối (khoảng trên 1.000 tỷ m3), xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí và nhà máy hoá lỏng khí và cảng biển với nguồn kinh phí khoảng 43 tỷ AUD (41 tỷ USD).
Quyết định trên được đưa ra sau khi các tin tức cho biết tập đoàn ExxonMobil Corp. đã ký hợp đồng cung cấp cho tập đoàn PetroChina Co. (Trung Quốc) khí đốt khai thác từ mỏ Gorgon trong thời gian 20 năm trị giá khoảng 50 tỷ AUD. Ngoài ra, các bên hữu quan còn ký các hợp đồng cung cấp khí đốt tương tự từ mỏ Gorgon cho các đối tác là các công ty điện lực của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, trị giá khoảng 70 tỷ AUD.
Chính phủ Australia cho biết xuất khẩu khí đốt thiên nhiên khai thác từ mỏ Gorgon có thể đạt giá trị 300 tỷ AUD trong vòng 20 năm tới và đây mới chỉ là một dự án. Các nguồn tin cho biết ít nhất còn khoảng nửa tá dự án khí đốt lớn khác đang trong quá trình triển khai, trong đó có dự án của công ty Woodside, với kinh phí 12 tỷ AUD, nhằm khai thác mỏ khí thiên nhiên Browse với trữ lượng ước tính khoảng 20 nghìn tỷ feet khối.
Các khu vực đô thị ít ỏi của bang Tây Australia đang thay đổi từng ngày bởi sự bùng nổ của hoạt động khai mỏ, cho dù phải mất 5 tiếng đồng hồ để bay từ Sydney vượt qua vùng hoang mạc tới Perth, thủ phủ của bang. Thành phố này cũng không xây dựng kịp khách sạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và nằm rải rác khắp thành phố là các toà nhà văn phòng đang xây dựng dở dang với các cần cẩu vươn lên bầu trời.
Chính phủ Australia đang tìm cách bổ sung vào sự thiếu hụt lao động, dự kiến khoảng 70.000 công nhân xây dựng trong ngành khai thác tài nguyên trong thập kỷ tới. Trong đó, việc nhanh chóng cấp thị thực cho lao động nhập cư lành nghề, có thể từ châu Á và Trung Đông, là một phương án quan trọng đang được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Linh Đức