Thị trường đóng cửa, VN-Index dừng lại tại mốc điểm 578,07; tăng 9,08 điểm (1,60%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,67 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 2.317,97 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 138, 67 và 72.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên ở điểm số 86,71; tăng 1,82 điểm (2,14%). Tổng thanh khoản toàn sàn đạt 69,64 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 848,18 tỷ đồng. Số mã tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 131, 59 và 59.
Đồ thị theo thời gian thực cho thấy, phiên hôm nay có thể được chia làm hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất kéo dài từ khi chính thức mở cửa cho đến thời điểm đóng cửa phiên sáng. Lúc này, giao dịch trên cả hai sàn tương đối trầm lắng. Tại các cổ phiếu vừa xuất hiện những lệnh chốt lời vừa xuất hiện các lệnh mua gom. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư đều không nằm trong tình thế phải chốt lãi bằng mọi giá, chính vì vậy mặc dù cả hai chỉ số chính vẫn duy trì được sự tăng điểm nhưng mức tăng là không nhiều.
Phần thứ hai nằm trọn vẹn trong phiên chiều nhưng diễn ra với một kịch bản khác biệt hoàn toàn so với phần thứ nhất khi lực cầu không ngừng được gia tăng và cuối cùng là áp đảo hoàn toàn so với lực cung. Đáng chú ý, lực cầu ở khoảng thời gian này đã được phân bổ một cách rộng và đều tới gần như tất cả các nhóm cổ phiếu trên cả hai sàn. Do đó, cả thanh khoản và điểm số thị trường đều có sự cải thiện rất nhanh và mạnh. Việc VN-Index từ chỗ chỉ tăng hơn 1 điểm khi kết thúc phiên sáng nhưng đến giữa phiên chiều bật tăng tới gần 10 điểm đã minh chứng điều đó.
Trong điều kiện hàng loạt các cổ phiếu đều tăng giá và không ít mã tăng kịch biên độ cho phép, CII vẫn tạo sức hút đặc biệt tới nhà đầu tư theo một cách hết sức ấn tượng. Thống kê giá khớp lệnh cho thấy, toàn bộ buổi sáng, CII giao dịch ở mức giá đỏ và ít phút đầu phiên chiều, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm 13h10’ trở đi, CII đã thực sự lột xác khi liên tục vươn lên chinh phục các bước giá cao hơn. Đúng 13h40’, mã này chính thức chạm trần và nhanh chóng hấp thụ khối lượng dư bán trần. Kể từ đây, CII duy trì một khối lượng dư mua trần lên tới hàng chục triệu cổ phiếu. Đặc biệt, trong phiên ATC, khối lượng dư mua ở cả mức giá trần và giá ATC đạt con số trên 40 triệu đơn vị, tương ứng với số tiền cần bỏ ra là gần 900 tỷ đồng, nhiều hơn cả giá trị khớp lệnh trên toàn sàn Hà Nội trong ngày hôm nay.
Có một chút khác biệt trong hành động của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ở phiên hôm nay. Các con số thống kê sơ bộ cho thấy, khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn TPHCM và mua ròng nhẹ trên sàn Hà Nội. Cụ thể, tại HoSE, NĐTNN bán ròng 5,13 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 100,82 tỷ đồng. Còn bên HNX, khối ngoại mua ròng trên 1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 27,66 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây đã là phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp của NĐTNN trên sàn TPHCM.
Hà Nguyễn