In bài viết

Bước đột phá trong việc giải tỏa công suất từ các dự án NLTT

(Chinhphu.vn) - Với những nỗ lực không mệt mỏi, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng và hoàn thành vượt tiến độ nhiều dự án truyền tải điện nhằm giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào nhiệm vụ cung cấp điện và bảo an ninh năng lượng quốc gia.

30/09/2020 17:59

Theo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời (ĐMT) đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch vào hệ thống điện lên đến gần 23.000 MW, trong đó ĐMT khoảng 11.200 MW, điện gió khoảng 11.800 MW.

Hiện tại, cả nước đã đưa vào vận hành 102 dự án ĐMT với tổng công suất 5245 MW. Nhằm giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19, nhưng với tinh thần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành vượt tiến độ nhiều dự án lưới điện truyền tải, đồng thời tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đưa các dự án trọng điểm khác về đích đúng hẹn.

Nhiều dự án lưới điện truyền tải giải phóng công suất NLTT về đích sớm

Ninh Thuận và Bình Thuận, hai tỉnh Nam Trung Bộ được mệnh danh là thủ phủ các dự án NLTT. Việc các nguồn NLTT tập trung mật độ lớn tại khu vực này được đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian rất ngắn đã gây nên tình trạng quá tải cục bộ lưới điện vào thời điểm các nhà máy ĐMT đồng thời phát công suất cao.

Để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, trong năm 2020, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã hoàn thành, đưa vào vận hành một số công trình trọng điểm, cụ thể như: nâng công suất các trạm biến áp (TBA) 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh; nâng công suất các TBA 220 kV Tháp Chàm, Hàm Tân; hoàn thành đưa vào vận hành các TBA 220 kV mới như Ninh Phước và Phan Rí.

Dự án Nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân đã được hoàn thành. Ảnh: VGP

Theo EVNNPT, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đấu nối với hệ thống điện quốc gia qua TBA 500 kV Vĩnh Tân đã vận hành với tổng công suất phát lên đến 4.200 MW gồm các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Vĩnh Tân 4  và nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

EVNNPT cho biết, ngày 29/2/2020, dự án Nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân (Bình Thuận) được khởi công doTổng công ty làm chủ đầu tư. Sau gần 2 tháng dồn lực thi công, đến ngày 17/4/2020, EVNNPT đã đóng điện thành công, đưa vào vận hành MBA AT1 - 500 kV- 900 MVA vượt tiến độ 73 ngày.

Tiếp đó, ngày 28/5/2020 MBA AT2 500 kV - 900 MVA được đưa vào vận hành, vượt tiến độ 32 ngày theo kế hoạch giao. Việc đóng điện đưa vào vận hành các máy biến áp này vượt tiến độ kế hoạch đề ra đã góp phần tăng khả năng truyền tải cho hệ thống, giảm tổn thất điện năng, giúp giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo của các dự án NLTT trong khu vực cụ thể như: nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) Hồng Phong 1A, 1B  có công suất 250 MW, NMĐMT BIM 2, 3  công suất 300 MW, NMĐMT Trung Nam công suất 200 MW và các NMĐMT Mỹ Sơn Hoàn Lộc Việt, NMĐMT Nhị Hà mỗi dự án có công suất 50 MW.

Theo đánh giá của EVNNP, sản lượng điện truyền tải qua các MBA 500 kV tại trạm tăng xấp xỉ 50% so với trước đây, bảo đảm cung cấp thêm một lượng điện năng cho các tỉnh Nam Trung Bộ thông qua các đường dây 500 kV kết nối với TBA 500 kV Sông Mây (tỉnh Đồng Nai) và TBA 500 kV Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Trước đó, ngày 15/1/2020, dự án TBA 220 kV Phan Rí cũng đã được EVNNPT đưa vào vận hành giai đoạn 1 với MBA 220/110 kV – 250 MVA, 6 ngăn lộ 220 kV, 9 ngăn lộ 110 kV. Dự án này đã  góp phần bảo đảm mục tiêu cung cấp điện cho phụ tải các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc của tỉnh Bình Thuận và các huyện phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, giảm tải cho các MBA 220/110 kV tại hai TBA 220 kV Phan Thiết và Tháp Chàm.

Được lựa chọn gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ EVN lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 tiến đến chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 22/1/2020, công trình TBA 220 kV Ninh Phước được phát lệnh khởi công.

Lãnh đạo EVNNPT và CPMB kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công TBA 220 kV Ninh Phước. Ảnh: VGP

Quy mô dự án xây dựng mới TBA 220 kV lắp đặt 2 máy biến áp (MBA) 220 kV – 250 MVA, 8 ngăn lộ 220 kV, 2 ngăn lộ 110 kV, 2 ngăn lộ 22 kV, dự phòng vị trí lắp đặt 6 ngăn lộ 220 kV, 2 ngăn lộ 110 kV trong tương lai và đường dây 220 kV đấu nối 4 mạch đến đường dây 220 kV nhà máy điện Vĩnh Tân - Tháp Chàm.

Với vai trò là chủ đầu tư, EVNNPT đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) thay mặt điều hành quản lý dự án, cùng với các đơn vị nhà thầu có nhiều kinh nghiệm thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, hiệu chỉnh, thí nghiệm. Chỉ sau hơn 5 tháng chạy đua với thời gian nỗ lực thi công, ngày 29/6/2020, MBA 220 kV AT1 Ninh Phước đã được đóng điện xung kích thành công, tiếp đó MBA 220 kV AT2 Ninh Phước đã được đóng điện xung kích trong cùng ngày.

Sau khi đưa vào vận hành, TBA 220 kV Ninh Phước có thể giải tỏa gần 306 MW công suất của các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới 110 kV để truyền tải lên lưới điện 220 kV.

Hiện EVNNPT đang phấn đấu để hoàn thành giai đoạn 2 của dự án này trong quý IV/ 2020.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất nguồn NLTT

Theo quy hoạch Tổng sơ đồ lưới điện VII, từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2021 sẽ có hàng chục dự án điện gió tại Quảng Trị hòa lưới điện quốc gia.

Nhằm bảo đảm truyền tải hết công suất tại các nhà máy điện gió và các thủy điện nhỏ trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia góp phần cung cấp điện an toàn và tin cậy cho phụ tải các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế). Đồng thời, giúp nâng cao năng lực truyền tải và giảm tổn thất cho lưới điện khu vực, dự án TBA 220 kV Lao Bảo được khởi công do EVNNPT làm chủ đầu tư với có quy mô lắp đặt 2 máy biến áp công suất 250 MVA, đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà - Lao Bảo có chiều dài khoảng 46,4 km và 120 vị trí cột.

Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành xây dựng cơ bản trong quý IV/2020, đóng điện trong quý I/2021. Tuy nhiên, đến nay khối lượng thi công dự án còn hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sự chậm chễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, phần TBA đã kê kiểm xong toàn bộ 11 hộ, đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 9/11 hộ và bàn giao mặt bằng 5/11 hộ.

Đối với phần móng đường dây 220 kV đã kê kiểm 82/121 vị trí; trong đó huyện Triệu Phong, tỉnh Quang Trị đã kê kiểm 21/49 vị trí, huyện Cam Lộ kê kiểm 19/25 vị trí, đã có thông báo thu hồi đất toàn bộ 25 vị trí; huyện Đakrông đã kê kiểm toàn bộ 37 vị trí, đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt; Huyện Hướng Hóa kê kiểm 5/10 vị trí.

Hiện EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp cùng phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Trị và các địa phương có dự án đi qua tháo gỡ những vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, quyết liệt đưa dự án vào vận hành kịp thời, đồng bộ với những dự án NLTT trong khu vực nhằm giải tỏa công suất từ các dự án NLTT này,

Cùng với việc triển khai các dự án truyền tải điện, EVNNPT cũng chỉ đạo các công ty truyền tải điện tăng cường công tác quản lý vận hành, theo dõi chặt chẽ tình trạng quá tải, phát nhiệt mối nối các xuất tuyến đường dây thường xuyên mang tải cao khi các nhà máy NLTT phát đồng thời.

Để bảo đảm các nhà máy phát điện liên tục, gần đây nhất đêm 12/9/2020, qua công tác theo dõi quá tải, soi phát nhiệt kịp thời, Truyền tải điện Phú Yên (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) đã đăng ký cắt điện, thay lèo, xử lý phát nhiệt cao mối nối dây dẫn tại vị trí 131 đường dây 220 kV Tuy Hòa - Quy Nhơn, đây là tuyến đường dây thường xuyên mang tải cao do hệ thống các nhà máy ĐMT trên địa bàn tỉnh Phú Yên phát công suất lớn.

Với những nỗ lực của mình, EVNNPT đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, tập trung tối đa mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình lưới điện đồng thời nâng cao năng lực quản lý vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải. Qua đó, tạo điều kiện tối đa cho các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực phát điện cho hệ thống điện quốc gia, kịp thời cung cấp nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và đời sống nhân dân.

Toàn Thắng