Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA trao đổi tại Hội thảo "Quy định về chế độ hóa đơn điện tử với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP" - Ảnh: VGP/HT
Đây là nhận định được các đại biểu trao đổi tại Hội thảo "Quy định về chế độ hóa đơn điện tử với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP" do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp Công ty MISA tổ chức ngày 24/4 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA khẳng định: "Nghị định 70 có vai trò quan trọng trong việc định hình lại cách thức quản lý thuế đối với các hộ và cá nhân kinh doanh. Theo đó, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Như vậy, việc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ góp phần hạn chế thất thu thuế mà còn thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh".
Đáng chú ý, Nghị định 70 còn khuyến khích người tiêu dùng chủ động yêu cầu xuất hóa đơn, đồng thời quy định rõ thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu và các dịch vụ có số lượng lớn. Do đó, đây không chỉ là nghĩa vụ từ phía người bán mà còn là quyền lợi của người mua trong việc đảm bảo tính pháp lý cho giao dịch.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, dù có nhiều lợi ích, quá trình triển khai hóa đơn điện tử vẫn đối mặt không ít thách thức. Đặc biệt là sự lo ngại từ phía hộ kinh doanh về việc "lộ doanh thu thực", sợ bị tăng thuế, hoặc thiếu hiểu biết về quy định mới. Do vậy, cần có thêm các kênh tương tác, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh. Thêm vào đó, các chuyên gia đề xuất nên có chính sách khuyến khích về chi phí phần mềm, hỗ trợ ban đầu cho các hộ mới áp dụng, đồng thời tổ chức thi đua, khen thưởng đối với những địa phương triển khai hiệu quả.
Dưới góc độ chuyên gia tư vấn thuế, bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội đưa ra một thực trạng đáng quan tâm: Nhiều hộ kinh doanh hiện nay vẫn giữ tư duy "buôn bán nhỏ lẻ", không muốn xuất hóa đơn, không có bộ phận kế toán chuyên trách. Vì vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử cần đi kèm với các chương trình đào tạo, hỗ trợ sử dụng phần mềm, nhất là đối với người lớn tuổi và các hộ ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, bà Lê Thị Yến cho rằng việc hợp tác với các đơn vị công nghệ uy tín là cần thiết để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính ổn định trong vận hành. Do đó, quá trình chuyển đổi không chỉ là áp đặt quy định mà cần có sự đồng hành, hướng dẫn từ cơ quan thuế và doanh nghiệp (DN) công nghệ.
Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA chia sẻ về giải pháp công nghệ - Ảnh: VGP/HT
Từ phía DN cung cấp giải pháp, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA cho biết: "Hóa đơn điện tử tích hợp với phần mềm bán hàng và kế toán là công cụ thiết thực để hỗ trợ các hộ kinh doanh".
Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Quang chỉ ra rằng khi hộ kinh doanh chủ động áp dụng công nghệ, họ sẽ dễ dàng tiếp cận với các đối tác lớn, nâng cao uy tín và tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Theo thống kê, chỉ khoảng 8% DN siêu nhỏ tiếp cận được vốn vay, nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên gần 30% nếu áp dụng phần mềm quản lý bán hàng và hóa đơn điện tử.
Đại diện cơ quan thuế cho rằng, với vai trò của cơ quan quản lý, bên cạnh việc ban hành Nghị định, cơ quan thuế cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ. Ví dụ như cho phép các hộ kinh doanh lựa chọn kê khai theo tháng hoặc quý để phù hợp với thực tế vận hành. Thêm vào đó, các đơn vị thuế cấp quận, huyện cũng đã chủ động tổ chức hội nghị, tuyên truyền trực tiếp đến từng nhóm hộ kinh doanh.
Mặt khác, việc sử dụng phần mềm tích hợp giữa bán hàng-hóa đơn- kế toán sẽ giúp dữ liệu được đồng bộ hóa, từ đó giảm bớt gánh nặng kế toán thủ công và tăng cường tính chính xác trong kê khai, nộp thuế.
Hộ kinh doanh trải nghiệm giải pháp phần mềm tích hợp giữa bán hàng-hóa đơn- kế toán - Ảnh: VGP/HT
"Việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật thuế, góp phần phát triển một nền kinh tế minh bạch, chuyên nghiệp. Do đó, ngoài việc tuân thủ quy định, cần thúc đẩy sự thay đổi nhận thức từ chính hộ kinh doanh, xem đây là cơ hội thay vì là gánh nặng", ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Dưới góc độ quản lý thuế, ông Lê Ngọc Huy, Trưởng phòng Thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác (Chi cục Thuế khu vực I) cho hay: Định hướng xuyên suốt của ngành Thuế là khuyến khích người nộp thuế "tự khai, tự nộp". Điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để các hộ kinh doanh chủ động hơn trong việc xác định doanh thu, kê khai thuế, và tránh tình trạng áp dụng thuế khoán không phản ánh đúng thực tế kinh doanh.
"Từ đầu năm 2025, các đội thuế đã được phân công nhiệm vụ rà soát những hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng để hướng dẫn, vận động, và hỗ trợ chuyển đổi sang hình thức hóa đơn điện tử đúng thời hạn", đại diện cơ quan thuế cho hay.
Anh Minh