Mặc dù phát triển trong những năm trở lại đây nhưng công nghệ blockchain vẫn tồn tại một số vấn đề khiến người dùng e ngại, tiêu biểu là về bảo mật và thời gian ngừng hoạt động (downtime). Năm 2022 đã ghi nhận có tới 3,8 tỷ USD tiền mã hoá bị đánh cắp từ các nền tảng khác nhau, tăng từ 3,3 tỷ USD trong năm 2021.
Việt Nam đã phát triển công nghệ blockchain, song song với tìm kiếm giải pháp cho bài toán kể trên. Một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn thử nghiệm thiết lập hệ sinh thái blockchain an toàn, tin cậy, tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Đi cùng với đó là một số giải pháp mới để tăng cường tính bảo mật và giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động do di chuyển dữ liệu của blockchain hiện nay. Song song với đó, khả năng xử lý khi lưu lượng truy cập cao cũng được cải tiến, tránh được các lỗ hổng bảo mật hay các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS).
Như vậy, Việt Nam không chỉ sở hữu doanh nghiệp tự xây dựng nền tảng blockchain của riêng mình, mà còn nâng cao tính hiệu quả của công nghệ này so với các nước trong khu vực. Theo đó, tính bảo mật của blockchain được tăng cường mạnh mẽ hơn, đồng thời thì cũng giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động lên tới 4 lần.
Tại hội nghị "Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới" vào tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: "Nhiều công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như: NTQ Solution, SmartOCS, RikkeiSoft, OMI, VMO... Có những công ty ngay từ ngày đầu thành lập cũng đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới".
Những doanh nghiệp hay doanh nhân này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đã truyền cảm hứng, tạo niềm tin rằng "Việt Nam có thể làm được".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đã đến lúc, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới của lịch sử phát triển, khai phá, mở ra không gian mới, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
D.Anh