Lễ ký kết Quy chế phối hợp thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng điện tử là bước tiến quan trọng trong kiểm soát nghĩa vụ thuế của người nộp thuế - Ảnh: VGP/HT
Từ nhu cầu thực tiễn quản lý thuế và xuất nhập cảnh
Theo lãnh đạo Cục Thuế (Bộ Tài chính): Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý thuế đã đạt được nhiều bước tiến về thể chế, nghiệp vụ và công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận người nộp thuế (NNT) cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Một số trường hợp sau khi phát sinh nghĩa vụ thuế lớn hoặc có dấu hiệu vi phạm đã tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài nhằm né tránh trách nhiệm.
Trước thực tiễn đó, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường các biện pháp cưỡng chế thuế một cách có trọng tâm, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình trên. Theo đó, ngành Thuế đã chủ động rà soát, lựa chọn các công cụ pháp lý phù hợp để bảo vệ kỷ cương tài chính và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Những năm gần đây, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 49/2025/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với NNT là cá nhân, tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế và bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Tính đến nay, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 61.492 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng. Trong đó có 36.646 NNT bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 13.407 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thu được 4.955 tỷ đồng của 7.309 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 2.694 NNT với số tiền là 256 tỷ đồng của NNT đang bỏ địa chỉ kinh doanh.
Tuy nhiên trên thực tế, việc gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh theo phương thức hành chính truyền thống như công văn giấy hoặc chuyển phát nhanh, có khả năng chậm trễ về thời gian, thiếu đồng bộ trong xử lý dữ liệu và làm phát sinh chi phí hành chính không cần thiết. Những yếu tố này phần nào làm giảm hiệu quả phối hợp liên ngành, gây khó khăn trong việc rà soát và xử lý nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân.
Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có một cơ chế phối hợp linh hoạt, hiện đại và đồng bộ về mặt công nghệ, để việc thực thi biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thực sự phát huy vai trò như một công cụ pháp lý hữu hiệu, chính xác và mang tính răn đe cao trong hệ thống quản lý thuế hiện đại.
Do đó, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Cục Thuế và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh vừa diễn ra được kỳ vọng đáp ứng kịp thời cho yêu cầu đó. Đây là hành động cụ thể hóa của cơ chế phối hợp pháp lý, kỹ thuật và trách nhiệm, nơi mà dữ liệu không chỉ là con số, mà là căn cứ pháp lý để đảm bảo thực thi nghiêm minh chính sách thuế, bảo vệ lợi ích Nhà nước và quyền lợi chính đáng của NNT tuân thủ.
Trung tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) phát biểu tại Lễ ký - Ảnh: VGP/HT
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đánh giá cao sự phối hợp của Cục Thuế trong quá trình cung cấp thông tin, dữ liệu với ngành Công an. Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh lễ ký kết Quy chế là thành quả nghiêm túc của công tác triển khai Nghị định số 49/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, Trung tướng Phạm Đăng Khoa cũng lưu ý trong quá trình vận hành hệ thống điện tử, yêu cầu cao nhất được đặt ra đó là đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin, vì đây là tài sản vô giá của quốc gia.
Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Xuân Thành phát biểu tại Lễ ký - Ảnh: VGP/HT
Đại diện phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định: Quy chế có hiệu lực thi hành ngay sau khi kết, hai cơ quan sẽ khẩn trương triển khai nội dung Quy chế. Theo đó, các đơn vị đầu mối như Ban Nghiệp vụ thuế, Ban Công nghệ, chuyển đổi số và tự động hoá (Cục Thuế) phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để đảm bảo kết nối hệ thống điện tử thông suốt, xử lý sự cố kịp thời và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
"Trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại để truyền - nhận thông tin nộp thuế theo hình thức điện tử, nhằm rút ngắn thời gian xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, gỡ bỏ kịp thời lệnh tạm hoãn xuất cảnh, tạo điều kiện cho NNT", lãnh đạo ngành thuế khẳng định.
Việc triển khai mô hình này cũng thể hiện nỗ lực của ngành Thuế và lực lượng Công an trong việc cụ thể hóa định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với việc bảo đảm kỷ cương ngân sách và xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục nhân rộng các mô hình phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, xây dựng nền hành chính công hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân.
Cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết: Trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại để truyền nhận thông tin nộp thuế theo hình thức điện tử. Qua đó, rút ngắn thời gian xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, giải tỏa kịp thời tạm hoãn xuất cảnh, tạo điều kiện cho người nộp thuế.
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng Ban Nghiệp vụ Thuế, Cục Thuế (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/HT
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng Ban Nghiệp vụ Thuế, Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết thêm: Trong Quy chế, việc đối soát thông tin giữa hai cơ quan được tổ chức chặt chẽ theo hai giai đoạn (thủ công và tự động hoá), nhằm bảo đảm tính chính xác và liên tục. Một trong những điểm mới quan trọng là việc sử dụng dữ liệu truyền nhận qua hệ thống điện tử như thông tin tạm hoãn, gia hạn hay hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh sẽ được thực hiện hoàn toàn trong thời gian thực. Nói cách khác, quá trình này không chỉ rút ngắn thời gian xử lý mà còn giảm thiểu tối đa chi phí vận hành và khả năng sai sót.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối giữa hai đơn vị đã được kiểm thử, hoàn thiện và sẵn sàng vận hành từ tháng 5/2025, bảo đảm tính an toàn, bảo mật và thông suốt. Đây là một bước phát triển đáng ghi nhận trong tiến trình số hóa quản lý hành chính nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thu cho biết: Đối với người nộp thuế, quy trình giải toả tạm hoãn xuất cảnh sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính được rút ngắn đáng kể, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất cảnh hợp pháp. Điều này vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, vừa nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế.
"Ngân sách nhà nước sẽ được cải thiện đáng kể khi nợ đọng thuế được xử lý kịp thời thông qua công cụ cưỡng chế hành chính kết hợp với hạ tầng số hiện đại. Nhờ vậy, mục tiêu tăng thu, giảm nợ thuế trở nên khả thi hơn bao giờ hết", đại diện Ban Nghiệp vụ Thuế nói.
Huy Thắng