In bài viết

Buổi phát thanh đầu tiên sau ngày Đà Nẵng được giải phóng

(Chinhphu.vn) - Giây phút trước đứng trước micro để phát đi bản tin đầu tiên mừng giải phóng TP. Đà Nẵng là một kỷ niệm không thể quên trong đời của nữ phóng viên Nguyễn Thị Anh Trang.

30/04/2017 07:20

Bà Anh Trang trong thời gian tiếp quản đài khu vực An Hải. Ảnh: Lưu Hương chụp lại

Bà Nguyễn Thị Anh Trang (hiện 75 tuổi, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) vinh dự là nữ phóng viên tham gia đọc bản tin đầu tiên sau ngày Đà Nẵng được giải phóng.                     

Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, năm 15 tuổi, bà Trang tập kết ra Bắc, học tập tại Trường học sinh miền Nam.

Năm 1968, vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, bà vào chiến trường phía đông Trường Sơn, làm nhiệm vụ ở Đoàn 559. Giữa năm 1973, bà là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng thường trú tại miền Trung Trung Bộ.

Những năm tháng làm phóng viên chiến trường, thường xuyên đối mặt với mưa bom, lửa đạn, cái chết luôn cận kề, nhưng điều đó không làm nhụt đi nhuệ khí và lòng nhiệt tình của người nữ phóng viên trẻ, mà ngược lại, càng hun đúc ý chí, giữ vững niềm tin một ngày không xa đất nước sẽ hoàn toàn giải phóng.

“Nhiều lúc ở trong rừng sâu, đối diện với bệnh tật và đói khát, kẻ thù lại truy lùng gắt gao suốt đêm ngày, lúc đó tôi luôn nghĩ rằng mình phải bám theo mặt trận, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn và nguy hiểm nhất, quyết hoàn thành nhiệm vụ, dù phải hy sinh”, bà Trang chia sẻ.

Với thời gian dài gắn bó tại chiến trường, mỗi thời khắc là mỗi kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời bà không phải là những khó khăn, gian khổ, mà chính là lần nhận nhiệm vụ tiếp quản Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam-Đà Nẵng và đọc bản tin sau ngày giải phóng.

Bà Trang kể lại: “Ngày 26/3/1975, khi vừa viết xong bài “Tiên Phước (Quảng Nam) hoàn toàn giải phóng”, bất ngờ tôi nhận lệnh về Đà Nẵng gấp. Tôi được giao nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp tiếp quản và làm chương trình phát thanh đầu tiên sau giải phóng Đà Nẵng”.

14h30 ngày 29/3/1975, bà Trang có mặt tại một ngôi nhà bên bờ sông Hàn và được giao nhiệm vụ cùng với hai đồng nghiệp sang tiếp quản đài phát thanh khu vực An Hải.

“Anh Kim Tuấn phụ trách chung. Anh Đoàn Bá Từ đảm nhiệm phần tin tức. Còn tôi làm phát thanh viên”.

Bà Anh Trang kể lại kỷ niệm buổi đọc bản tin sau ngày Đà Nẵng giải phóng. Ảnh: Lưu Hương

Đúng 11h ngày 31/3/1975, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng lên sóng. Đèn tín hiệu thu bật sáng, nhạc hiệu bài hát “Giải phóng miền Nam” nổi lên và lúc đoạn nhạc bài hát vừa kết thúc, bà Trang đĩnh đạc đọc: “Đây là Đài Phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng”.

“Giây phút khi đọc xong câu cuối cùng: ‘Chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đến đây là hết, thân ái chào đồng bào, đồng chí và các bạn!’ tôi đã bật khóc vì xúc động. Đó là một cảm giác sung sướng, hạnh phúc xen lẫn tự hào, vì tôi hiểu được rằng hàng nghìn đồng bào tôi khi nghe thông tin Đà Nẵng đã hoàn toàn được giải phóng sẽ được tiếp thêm sức mạnh để tin tưởng rằng con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đến rất gần”, bà Trang cười tự hào, “Việc được đọc bản tin sau ngày giải phóng Đà Nẵng là một kỷ niệm lớn trong cuộc đời, mà mỗi lần nhớ đến, cảm xúc đó vẫn còn vang vọng, tự hào”.

Năm 1991, bà Anh Trang về hưu sau nhiều năm làm phát thanh viên và biên tập viên thời sự.

Là một phóng viên đầy nhiệt huyết trong thời kỳ chiến tranh, ở thời bình bà tham gia tích cực vào các công tác xã hội tại địa phương khi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Mặt trận kiêm Hội trưởng Hội Người cao tuổi của phường Bình Thuận, quận Hải Châu. Bà đã có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng như tổ chức các chương trình, hoạt động để người cao tuổi sống vui-khỏe-có ích với xã hội, giúp đỡ những người già neo đơn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

“Trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi và đồng đội, đồng nghiệp của mình cùng ôn lại kỷ niệm về những ngày hoa lửa của đất nước và càng vui hơn khi thấy quê hương đất nước mình đang phát triển đổi mới từng ngày...

Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp bước con đường sự nghiệp cách mạng của cha ông, lao động sáng tạo để xây dựng quê hương đất nước bình yên, tươi đẹp. Có như vậy mới xứng đáng với sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông mình”, bà Anh Trang xúc động cho biết.

Lưu Hương