In bài viết

Buôn bán tại tỉnh khác đăng ký nhận hỗ trợ thế nào?

(Chinhphu.vn) - Gia đình bà Trần Thị Ngọc Hân thường trú tại tỉnh Hậu Giang, mẹ bà buôn bán nhỏ lẻ rau củ và trái cây ở tỉnh Cà Mau, nhưng không cố định. Một tuần, mẹ bà Hân đi 2-3 chuyến. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mẹ bà nghỉ ở nhà.

04/01/2022 07:02

Trường hợp của mẹ bà Hân được hướng dẫn để nhận hỗ trợ thì hồ sơ phải có xác nhận của địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi buôn bán hoặc xin hỗ trợ tại tỉnh Cà Mau thì xác nhận có đăng ký tạm trú. Bà Hân hỏi, trường hợp của mẹ bà có thể giải quyết theo cách nào?

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang trả lời vấn đề này như sau:

Mẹ của bà Trần Thị Ngọc Hân là bà Võ Thị Tám, sinh năm 1968, địa chỉ Ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A; bà Tám có đi mua trái cây gửi qua tài xế xe khách chạy từ Hậu Giang xuống Cà Mau để bán, một tuần đi được 2 đến 3 chuyến.

Ở Cà Mau bà Tám có sạp riêng và để lại một phần để bán tại đó, số còn lại bỏ mối cho các vựa ở vùng lân cận, trường hợp kinh doanh của bà Tám là có địa điểm cố định.

Căn cứ theo quy định tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, theo điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ như sau:

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn làm một trong các công việc sau:

- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

- Mua bán phế liệu lưu động;

- Bốc vác;

- Vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ;

- Lái xe honda ôm;

- Bán lẻ vé số lưu động (bán vé số dạo);

- Tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống; cắt tóc, uốn tóc.

Căn cứ vào nội dung các văn bản nêu trên, thì trường hợp bà Tám (mẹ của bà Hân) không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, nếu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm thì liên hệ với UBND xã Nhơn Nghĩa A để được xem xét.

Chinhphu.vn