|
Dù xuất phát từ nguồn thông tin nào - báo cáo của các tổ chức quốc tế, cơ quan cảnh sát, các tổ chức phi Chính phủ đều đi đến cùng một kết luận: Buôn lậu thú hoang không ngừng tăng vọt. Số lượng cọp trên thế giới giảm thê thảm trong vòng một thế kỷ: từ 100.000 vào đầu thế kỷ 20, nay chỉ còn... 4.000 con. 20.000 con voi bị giết mỗi năm để lấy ngà. Số lượng tê giác bị săn bắt gia tăng gấp đôi tại Nam Phi trong năm 2010. Và ít nhất 12 loài thú lớn đã biến mất ở Việt Nam trong vòng 40 năm qua. Sinh mạng con người cũng bị đe dọa theo. Theo Quỹ Hoang dã quốc tế (IFAW), mỗi năm không dưới 100 nhân viên kiểm lâm bị sát hại tại châu Phi vì không được trang bị vũ khí đầy đủ bằng bọn buôn lậu.
Lợi nhuận rất lớn. Những con chim nhiều màu sắc đến từ vùng châu thổ sông Amazone hay Đông Nam Á có giá cao kỷ lục. Chẳng hạn loài vẹt Lear, màu xanh nước biển của Brazil , nổi tiếng cao giá trên thị trường chợ đen. Năm 2008, mỗi con có thể bán đến 60.000 euro. Người ta ước tính trên thế giới chỉ còn có khoảng 960 con vẹt Lear. 1kg sừng tê giác có giá khoảng 24.000 euro vào năm 2009, cao hơn cả vàng trên thị trường chính thức. Giá 1kg vàng trong năm đó vào khoảng 19 - 21.000 euro, lúc cao nhất là 24.000. Một tấm da cọp có giá 14.000 euro.
Kiểu buôn bán dã man này không chỉ giới hạn ở châu Phi và Đông Nam Á. Tháng 8-2010, Jeffrey Lendrum bị tuyên án tại Tòa án Hoàng gia Warwick , Anh quốc vì tội tìm cách đưa ra nước ngoài 14 trứng chim đại bàng.
Brian Stuart, phụ trách chống buôn lậu thú hoang dã của Interpol và đứng đầu nhóm cảnh sát Chống buôn lậu thú hoang Anh quốc, cho biết: Hai cuộc điều tra trong vòng ba tháng đã thu hồi được 40 triệu euro. Với những số tiền như thế, từ lâu các băng cướp lớn, và nhiều nhóm khủng bố đã thọc tay vào lĩnh vực này. Vai trò của các tổ chức tội ác ngày càng gia tăng trong buôn lậu thú hoang dã.
ST