In bài viết

BV Trung ương Huế được trao tặng giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ Thế giới

(Chinhphu.vn) - Sáng 3/12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, vào chiều 2/12, Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện đã được trao tặng giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ Thế giới.

03/12/2023 10:42
BV Trung ương Huế được trao tặng giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ Thế giới- Ảnh 1.

Khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch

Diamond (Kim cương) là một giải thưởng cao nhất của Hội Đột quỵ Thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não, đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

Để làm được điều này, các trung tâm cần phải có đầy đủ các yếu tố bao gồm nguồn nhân lực có trình độ cao, thiết bị chẩn đoán chuẩn xác và phối hợp nhuần nhuyễn với các khoa phòng có liên quan. Quy trình xét duyệt sẽ được thực hiện bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế, Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Cụ thể, để đạt giải thưởng này, Trung tâm phải đạt các tiêu chí: Thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu đông không tới 30 phút, so với tiêu chuẩn chung là dưới 60 phút. Tương tự, thời gian được đâm kim can thiệp lấy huyết khối nằm trong mức tối ưu. 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hoặc MRI trong vòng 15 phút đầu tiên, trong khi mức tiêu chuẩn đặt ra là 45 phút. Tỉ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông hiện nay đã đạt mức hơn 25%. Đặc biệt, không có bất kỳ ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện.

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai và cũng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ và cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế.

Có hai loại đột quỵ là đột quỵ thể tắc mạch và đột quỵ thể xuất huyết. Đối với các trường hợp đột quỵ thể tắc mạch, đặc biệt tắc các mạch máu não lớn, tình trạng bệnh nhân thường nặng và nguy kịch. Tuy nhiên nếu nhập viện sớm, được áp dụng các liệu pháp tái thông một cách kịp thời, bệnh nhân có thể hồi phục và vượt qua cơn nguy kịch. Vì vậy, khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ não, cần chuyển ngay tới các cơ sở điều trị chuyên sâu sớm, để tận dụng được thời gian vàng trong điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân.

Theo ThS.BS. Lê Vũ Huỳnh (Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế), hiện nay đơn vị thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch. Bằng liệu pháp tái thông (truyền thuốc tan cục máu đông và can thiệp nội mạch tái thông mạch máu não) một cách kịp thời, hầu hết những trường hợp nhập viện sớm đều được cấp cứu hiệu quả, vượt qua cơn nguy kịch và có thể hồi phục.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây nên đột quỵ thể xuất huyết. Với những trường hợp nặng thường dẫn đến tỉ lệ tử vong và tàn tật cao dù được điều trị tối ưu. Để dự phòng các trường hợp đột quỵ thể xuất huyết, bệnh nhân tăng huyết áp cần đảm bảo huyết áp lúc nghỉ dưới 130/80 mmHg bằng việc tuân thủ điều trị và kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế được thành lập vào năm 2018. Đây là tuyến y tế cao nhất trong lĩnh vực Đột quỵ ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Mỗi năm, Khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp cấp cứu đột quỵ và bệnh lý mạch máu não khoảng trên 600 ca.

Hiện nay với sự gia tăng bệnh nhân đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế đón một lượng lớn bệnh nhập viện cấp cứu, chuyển viện các ca khó, phức tạp từ tuyến dưới cũng như các tỉnh, thành phố lân cận như: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Nhật Anh