In bài viết

Cà Mau tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/11, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 cho 250 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND, phòng tư pháp của 9 huyện và lãnh đạo UBND, công chức tư pháp-hộ tịch của 101 xã, phường, thị trấn.

18/11/2022 18:34
Cà Mau tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật - Ảnh 1.

TS. Ngô Quỳnh Hoa trao đổi với các đại biểu tại buổi tập huấn - Ảnh: VGP/LS

Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị có TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), báo cáo viên pháp luật của hội nghị. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phạm Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, năm 2021, toàn tỉnh có 97/101 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP (đạt tỉ lệ 96,04%). 

Hiện nay công tác thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện theo nhiều quy định mới, nhất là khi tiêu chí tiếp cận pháp luật được thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới các cấp. 

Do đó, việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu triển khai nhiệm vụ này là hết sức quan trọng, nhất là kỹ năng, nghiệp vụ trong tham mưu triển khai việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần đưa công tác này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới bảo đảm thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa khẳng định, khi công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai bài bản, thực chất sẽ góp phần quan trọng để chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. 

Qua đó đề ra giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức và chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới, đặt biệt trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với xây dựng, hoàn thiện thể chế với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. 

Theo đó, 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP không phải là nhiệm vụ mới, mà đây chính là bộ công cụ để đo lường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong bảo đảm tiếp cận pháp luật của người dân, từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, đến tiếp cận thông tin, giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Các đại biểu tham dự đã được TS. Ngô Quỳnh Hoa giới thiệu cụ thể về nguyên tắc thực hiện, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, giới thiệu về cách chấm điểm cụ thể các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. 

Đặc biệt, các học viên được trực tiếp thực hành, tương tác với báo cáo viên pháp luật thông qua các bài tập thực hành, chia sẻ, trao đổi, thảo luận, giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn.

Hội nghị nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu về cách thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, giúp học viên dễ tiếp thu nội dung kiến thức chuyên môn, đồng thời định hình cho mình phương thức tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khoa học, nhanh chóng, thuận tiện và mong sẽ có nhiều hội nghị tập huấn tượng tự tại địa phương.

LS