Về tình hình tiêm chủng tại các địa phương, TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước số mũi tiêm. Với số vaccine phân bổ thực tế (7.083.230 liều để tiêm cho 6.966.626 người từ 18 tuổi trở lên), đến hết ngày 30/8, Thành phố đã tiêm được 5.970.084 liều. Các quận: 7, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ đã tiêm cho 100% số người từ 18 tuổi trở lên.
Sau TPHCM, Thủ đô Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 về tiêm vaccine khi đã tiêm được 2.924.413 liều/3.161.200 liều đã được phân bổ/5.745.728 người từ 18 tuổi trở lên.
Một số địa phương khác có tốc độ tiêm khá nhanh khi đã tiêm gần hết số vaccine được phân bổ.
Cụ thể, Đà Nẵng đã tiêm được 192.446 liều/217.582 liều được phân bổ; Bình Dương: 845.538/ 937.600; Đồng Nai: 780.105/ 907.040; Quảng Ninh: 297.712/ 323.130; Bến Tre: 153.832/ 154.770…
Về số vaccine phòng COVID-19 đã về đến Việt Nam, theo Bộ Y tế đến ngày 10/8/2021, Việt Nam đã nhận được 19 triệu liều từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế công bố số liệu này.
Tiếp đó, ngày 23/8, Bộ Y tế tiếp nhận 501.600 liều vaccine do Chính phủ Ba Lan tặng nhân dân Việt Nam.
Ngày 25/8, Bộ Ngoại giao tiếp nhận 300.000 liều vaccine do Chính phủ Romania tặng Việt Nam.
Ngày 26/8, Việt Nam nhận 1.065.870 liều vaccine do Chính phủ Mỹ tặng thông qua chương trình COVAX facility.
Ngày 27/8, AstraZeneca chuyển 1.442.300 liều vaccine về Việt Nam theo hợp đồng với Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam.
Chiều 27/8, đại diện Bộ Y tế tiếp nhận 403.000 liều vaccine từ Chính phủ Australia.
Sáng 30/8, lô vaccine gồm 210.000 liều vaccine AstraZeneca và 40.800 liều vaccine Moderna, trị giá gần 1,3 triệu USD, do Chính phủ Séc tài trợ đã được bàn giao cho Bộ Y tế.
Như vậy đến nay, số vaccine COVID-19 về Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau là hơn 27 triệu liều, riêng vaccine AstraZeneca có hơn 17 triệu, Moderna có hơn 5 triệu, Pfizer có khoảng 3 triệu, vaccine Sinopharm có 2,5 triệu và 12.000 liều vaccine Sputnik V.
BT