|
Tại Hà Nội, đêm giao thừa, người dân Thủ đô sum họp cùng gia đình, hoặc đi chơi, đi lễ chùa… Hồ Gươm như càng lung linh huyền ảo với đèn hoa rực rỡ và những sân khấu ca nhạc rộn ràng, náo nức xung quanh.
Lúc 19 giờ 30 phút, các nghệ sĩ Thủ đô Hà Nội đã tham gia vào một cuộc diễu hành trong vài giờ, xuất phát từ vườn hoa Lý Thái Tổ, vòng quanh hồ Gươm và kết thúc tại quảng trường trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội. Với chủ đề “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập”, chương trình diễu hành thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân âm nhạc dân tộc, người mẫu, thiếu nhi Hà Nội, đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, màn biểu diễn nghệ thuật bắt đầu lúc 21 giờ với sự góp mặt của các nhà hát trung ương và các ca sĩ đoạt giải Sao Mai 2004, 2006. Chương trình nghệ thuật có nhiều tiết mục đặc sắc như múa rồng phun lửa, múa rối nước, hợp xướng, biểu diễn thời trang “Huyền thoại Đông Hồ”.
|
Xuân Đinh Hợi, mùa xuân đầu tiên sau khi Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 150 của WTO, đem lại không khí phấn khởi và vui tươi hơn cho TP. Hồ Chí Minh. Người dân Thành phố đón Tết, đón xuân đầy đủ hơn hẳn mọi năm: hàng hóa tràn ngập các chợ, siêu thị, hoa trái các loại được bày bán khắp nơi, hàng trăm loại hoa kiểng đua nhau khoe sắc. Lễ hội “Đường hoa Nguyễn Huệ” tiếp tục là sự kiện nổi bật nhất trong dịp Tết tại TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, đường hoa được mang chủ đề rất thời sự: “Trên đường hội nhập”, với nhiều tiểu cảnh thể hiện nét đặc trưng Tết cổ truyền của Việt Nam, đặc trưng Tết Nam Bộ và như để giới thiệu về tinh thần đoàn kết, nhân ái sẻ chia, tính năng động và khát vọng đổi mới để phát triển của Thành phố mang tên Bác. Hàng trăm nghìn chậu hoa các loại đã tạo nên bức tranh hoa đa sắc màu, thể hiện không khí sinh động, vui tươi, rực rỡ của ngày Tết Việt. Tại đây, khách tham quan sẽ bắt gặp lại hình ảnh những mái nhà tranh, cây cầu khỉ, giàn mướp, ao sen, những chiếc chõng tre, bụi chuối và cả những góc ruộng lúa xanh mơn mởn. Cùng với đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội Bánh Tét cũng là sự kiện thu hút đông đảo người dân tham gia trong dịp Tết. Năm nay, dự kiến sự kiện này được tổ chức như một lễ hội đường phố vào tối mùng 2 Tết, 2 cặp bánh tét khổng lồ (đề cử kỷ lục Guinness, nặng 3,5 tấn) được diễu hành bắt đầu từ Công viên văn hóa Đầm Sen qua các đường phố của Thành phố và tiến về khu vực trung tâm, cung đường Lê Lợi–Nguyễn Huệ. Hàng loạt chương trình văn hóa văn nghệ sẽ được tổ chức trong dip Tết để phục vụ bà con vui xuân tại Công viên 23/9, Công viên 30/4, Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), Thảo Cầm Viên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên, Nhà văn hóa Thanh niên, Trung tâm văn hóa quận 5 và các nhà hát, sân khấu trên toàn Thành phố.
|
Khép lại một năm Bính Tuất thiên tai dữ dội, Đà Nẵng đang rạo rực bước vào năm mới Đinh Hợi cùng muôn ngàn sắc hoa trên khắp các nẻo đường. Đến với thành phố bên sông Hàn vào thời điểm chuyển giao năm cũ, năm mới, khó ai ngờ rằng chỉ cách đây 5 tháng, cơn bão Xangsane với sức tàn phá chưa từng thấy như đã biến nơi đây thành bình địa. Những nẻo đường tràn ngập muôn sắc hoa đã cho thấy sự hồi sinh kỳ diệu của Đà Nẵng. Đường Bạch Đằng bên sông Hàn được trang hoàng lộng lẫy, các hoạt động vui chơi sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Thành phố. Mặc dù vừa phải đương đầu với thiên tai, bão lụt nhưng chính quyền Thành phố vẫn tổ chức một điểm bắn pháo hoa trước Bảo tàng điêu khắc Chăm để đem lại niềm vui chung cho tất cả mọi người. Hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung từng "nổi tiếng" về sự ô nhiễm nay cũng tràn ngập những sắc hoa.
Tết ấm tình người
|
Những năm gần đây, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố cảng Hải Phòng lại ấm lòng với sự đùm bọc, quan tâm của cộng đồng. Những lời thăm hỏi cùng nhiều suất quà dẫu còn nhỏ, nhưng nặng tình đồng loại đã được chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và các tấm lòng hảo tâm trao tặng trong dịp Tết cho hơn 56.000 đối tượng nghèo khó, cô đơn, nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm trẻ em lang thang, vô gia cư đã được các cấp, ngành thành phố dang rộng vòng tay đón về vui Tết, mừng Xuân tại làng SOS, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người tàn tật, cô đơn, không nơi nương tựa. Với phương châm "mười người giúp một người, mười hộ giúp một hộ", nhân dân vùng ngoại thành không chỉ chăm lo Tết mà còn hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có mái ấm đón Xuân. Có thể nói, ở nhiều vùng ngoại thành, hải đảo xa xôi trên địa bàn Hải Phòng trong dịp Tết Đinh Hợi, không chỉ ấm áp nhờ tiết trời sang xuân mà còn có thêm hơi ấm của tình người. Niềm vui ngày Tết đối với người nghèo đang được nhân lên bởi tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng.
|
Còn trong cảm nhận của bạn bè quốc tế, Tết Nguyên Đán của Việt Nam có những nét riêng rất độc đáo, hấp dẫn họ mỗi khi có dịp đón năm mới tại quốc gia châu Á này. Ông Thomas P. Leckinger, trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) bày tỏ: Chứng kiến những gì đã và đang xảy ra, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được sống và làm việc tại Việt Nam. Đối với tôi, năm nay là một năm rất tuyệt vời vì tôi được “ăn” cái Tết đầu tiên tại Việt Nam, cũng là năm đầu tiên tôi làm việc ở đây với tư cách là trưởng đại diện của Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Tất nhiên, tôi hy vọng sẽ được đón nhiều cái Tết ở Việt Nam hơn.
Ông Rodger Hyland, người New Zealand: Tết cổ truyền của Việt Nam rất đặc biệt mà ở New Zealand chúng tôi không có được. Tôi thực sự ngưỡng mộ người Việt Nam và cả Tết của Việt Nam. Tết năm nay tôi dự định sẽ đến thăm một số người bạn ở Hà Nội, chứng kiến niềm vui, nụ cười trên gương mặt họ và sẽ giành cho những người tàn tật, trẻ em đường phố hay cùng cảnh ngộ sự giúp đỡ nếu họ cần. Chúc một năm mới tốt lành.
Anh Robert Brurley, người Canada: Tôi cùng gia đình mới sang Việt Nam được 6 tháng và đang rất háo hức đón chờ cái Tết đầu tiên tại Việt Nam. Sống và làm việc ở Việt Nam chưa lâu nhưng tôi cũng hiểu được rằng Tết là một lễ hội quan trọng nhất của người Việt Nam, đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình cùng sum họp quây quần bên nhau đón mừng năm mới. Tôi cũng chúc mọi người dân Việt Nam có một năm thành công hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Ông Chuck Searcy, người Mỹ: Tính đến nay tôi đã sống ở Việt Nam được gần 11 năm và Tết Đinh Hợi lần này là lần thứ 10 tôi được chứng kiến người Việt Nam đón Tết cổ truyền. Theo tôi, Tết là một dịp vô cùng đặc biệt đối với người Việt Nam, các gia đình Việt Nam và nhất là đối với trẻ em. Tết của người Việt Nam là một dịp rất tuyệt vời và đặc biệt bởi vì nó gắn kết tình bạn bè, gia đình. Họ cùng nhau chia sẻ một quãng thời gian hạnh phúc, hữu nghị, cùng nhau ăn bữa cơm sum họp… Đó thực sự là một kỳ nghỉ tuyệt vời của người Việt Nam mà tôi không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó cũng chính là điều khiến tôi thực sự ấn tượng./.
Minh Anh (Tổng hợp từ các báo)