In bài viết

Các Bộ trưởng cam kết

(Chinhphu.vn) - Suốt từ 8h sáng đến 13h30' chiều ngày 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe và yêu cầu một số Bộ trưởng trực tiếp trao đổi về hàng loạt bất cập, vướng mắc mà đại diện DN nêu trong Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

29/04/2016 18:19

Ảnh: VGP

Những ý kiến thẳng thắn, thậm chí gay gắt của đại diện các DN nêu tại hội nghị cho thấy nhiều rào cản trong việc tạo môi trường hoạt động an toàn, thuận lợi cho DN đang nằm ở phía các bộ, ngành, địa phương.

Doanh nghiệp khổ vì quy định “oái oăm”

Là đại diện DN phát biểu đầu tiên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu thực tế mặc dù các bộ, ngành báo cáo tích cực trong thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng DN không thấy vậy.

Ví dụ cụ thể được ông Hà nêu ra là Dự án Core Banking (hệ thống ngân hàng lõi) của BIDV trình Ngân hàng Nhà nước đã 15 tháng nhưng chưa được trả lời, trong khi theo quy định là 15 ngày.

Không chỉ mệt mỏi chờ đợi phản hồi từ cơ quan công quyền, nhiều DN đang gặp khó khăn vì những quy định quản lý “tréo ngoe”, áp dụng máy móc.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết hiện các trang trại nuôi bò của Công ty đang loay hoay để đáp ứng quy định của Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN liên quan đến xử lý chất thải.

“Xu thế thế giới hiện nay hướng đến nông nghiệp hữu cơ. Chất thải từ các trại nuôi bò để trồng cỏ hay làm phân bón hữu cơ rất tốt nhưng quy định buộc chúng tôi phải đầu tư xử lý chất thải theo tiêu chuẩn B1 mà theo đó là khoản đầu tư vô cùng tốt kém”, bà Mai Kiều Liên cho biết.

Vì thế, bà Mai Kiều Liên bày tỏ Vinamilk cũng như cộng đồng DN mong muốn Chính phủ hãy coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.

Bức xúc không kém là ý kiến của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, từ việc DN dệt may chỉ có 400 lao động, dù không sử dụng hóa chất như nhà máy dệt nhưng phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn hàng tỷ đồng, đến việc DN bị “hành” với Thông tư 37 của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trong vải.

“Thông tư 37 thắt chặt DN đến độ… không chịu nổi. Có khi khách hàng gửi mấy mét vải mẫu, DN cũng phải mang đi kiểm nghiệm, rất tốn thời gian, chi phí. Chỉ trong 3 tháng, có DN thành viên của chúng tôi đã phải đi kiểm nghiệm tới 138 lần”, ông Giang nói.

Trả lời vấn đề liên quan ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp thu kiến nghị của Hiệp hội Dệt May về những bất cập hiện hành trong kiểm tra mẫu vải tại Thông tư 37 và cam kết sẽ cùng Hiệp hội bàn cách tháo gỡ.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đề nghị nên “gom” các đoàn kiểm tra liên ngành đối với DN thành 1-2 lần trong 1 năm để khắc phục tình trạng “DN nhỏ nhỏ, vừa vừa thì một quý 3, 4 lần kiểm tra, nay thuế, mai hải quan, ngày kia là phòng cháy, chữa cháy”.

Cùng chung tâm tư về những quy định gây khó cho DN, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết quy định “chỉ DN khi đã nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thì mới được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại” theo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 đã khiến hàng loạt DN không thể triển khai dự án.

"Quy định này vừa không phù hợp với thực tế vừa xung đột với Luật Đất đai 2013 vì tại Khoản 1.b Điều 169 Luật Đất đai đã quy định tổ chức kinh tế được “nhận chuyển quyền sử dụng đất", bao gồm cả đất ở, đất nông nghiệp...", ông Châu nói và đề xuất phải sửa ngay bất hợp lý trên.

Trả lời về đề nghị của ông Châu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết vấn đề đất và đất ở đã được tháo gỡ. Sau đó, đã có 60-70 dự án nhà ở thương mại được triển khai với số vốn khoảng 20.000 tỷ đồng.

Cam kết của các Bộ trưởng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cam kết coi phát triển DN là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng  quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.

Còn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói giải quyết khó khăn cho DN trong vấn đề nộp thuế, thông quan hàng hóa là hai lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới; trước 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN ở một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế (như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa…).

Những giải đáp, trao đổi ban đầu cùng cam kết vào cuộc thực sự của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị thực sự gieo niềm tin, hy vọng về việc DN được tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh đúng như tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan Nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và DN, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ”.

Phương Nguyên