|
Ảnh minh họa
|
Ông Noriyuki Inoue - Chủ tịch của Daikin cho biết công ty sẽ tập trung sản xuất điều hòa tại nhà máy ở Shiga thay cho công xưởng tại Trung Quốc, trong khi TDK cũng xem xét chuyển một số đơn hàng sản xuất linh kiện điện tử về nhà máy ở tỉnh Akita.
Trước đó, Panasonic cũng cân nhắc rút các dây chuyền sản xuất ở nước ngoài về nước, sau khi đồng yen chạm mức đáy 7 năm so với USD. Chủ tịch Panasonic Kazuhoro Tsuga cho biết ông hy vọng có thể lôi kéo khách hàng vào các sản phẩm “Made in Japan”.
Vốn là một nước nghèo về tài nguyên, kiệt quệ sau cuộc chiến giữa thế kỷ trước, Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi chỉ sau một vài thập niên và trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đóng góp quan trọng cho một “Nhật Bản thần kỳ” chính là việc Chính phủ, doanh nghiệp nước này sớm nhìn ra những lợi thế từ việc đầu tư ra nước ngoài. Trong suốt những năm 80, xuất khẩu vốn của Nhật Bản tăng mạnh, xuất phát từ hai động lực chính là tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công ở các nền kinh tế đang phát triển cũng như “lách” được hàng rào bảo hộ mậu dịch ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào suy thoái, Chính phủ Nhật Bản phải áp dụng chính sách giảm giá đồng yen để kích cầu trong nước, khiến hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường nước ngoài cũng như luồng đầu tư trực tiếp bị ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia nhận định việc kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khiêm tốn trong những năm qua đã khiến nhà đầu tư Nhật Bản chú tâm vào sản xuất trong nước hơn.
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật liên tục hạ giá đồng yen để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kích thích tiêu dùng đã khiến cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này bị ảnh hưởng. Mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật là tạo ra mức lạm phát 2% và kéo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP 4,9 nghìn tỷ USD ra khỏi hai thập kỷ giảm phát.
Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp Nhật Bản có lũ lượt trở về nước hay không, nhiều nhà phân tích cho rằng hiện tượng "Made in Japan" chỉ là tạm thời. Một báo cáo của Goldman Sachs nhận định: “Tốc độ sản xuất ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản có thể chậm lại đôi chút nếu đồng yen tiếp tục giảm giá nhưng không thể giảm mạnh, trừ phi kinh tế Nhật Bản gặp vấn đề trong dài hạn”.
Theo ước tính của Nomura dựa trên số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, vào cuối thập niên 1980, chưa đầy 5% công ty Nhật sản xuất sản phẩm ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến tài khóa 2013, tỷ lệ này đã lên tới mức 21,6%. Theo dự kiến, số công ty sản xuất của Nhật có nhà máy ở nước ngoài sẽ chiếm 25,5% vào tài khóa 2018.
Kết quả thăm dò mới nhất do Văn phòng Nội các Nhật cho thấy hơn 50% số doanh nghiệp sản xuất Nhật được khảo sát ý kiến nói họ chuyển sản xuất ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của thị trường sở tại.
Ryutaro Kono - Kinh tế trưởng của Ngân hàng BNP Paribas đánh giá việc rút về nước chỉ vì đồng yen mất giá sẽ là sự lãng phí lớn, bởi hiện nay đồng tiền này còn cao hơn rất nhiều so với đầu thập niên 2000. Vào tháng 1/1973, phải 300 yen mới đổi được 1 USD, tỷ giá này ngày 7/4/2015 là gần 120 yen /USD.
Chuyên gia Ryutaro Kono nhận định "việc chuyển nhà máy từ nước ngoài về không chỉ gây nguy cơ lặp lại tình trạng dư thừa nguồn cung vốn đã đeo đẳng ngành điện tử Nhật Bản suốt nhiều năm, mà còn đồng nghĩa với việc áp dụng mô hình kinh doanh chỉ khả thi với tỷ giá đồng yen siêu rẻ như hồi năm 1973"./.