Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, các địa phương đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo kế hoạch. Đến nay, gần 961.800 trẻ tại 31 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine này, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố vẫn chưa đảm bảo tiến độ tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương; chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan hoặc bùng phát dịch.
Đồng thời, tăng cường thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế chuyển nặng và tử vong. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giám sát và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị địa phương phối hợp với các khu vực lân cận, chia sẻ thông tin về dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tại TPHCM, theo Sở Y tế Thành phố, tích lũy từ đầu năm đến nay, số ca sởi trên địa bàn Thành phố ghi nhận hơn 1.850 ca, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng gia tăng với 419 ca, tăng 31,1% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 3.052 ca, ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
TPHCM đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi và đang triển khai tiêm cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi.
Tại Đồng Nai, dịch sởi cũng diễn biến phức tạp, với hơn 2.000 ca mắc, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023, 1 trường hợp tử vong từ đầu năm 2024. Điều đáng nói, rất nhiều ca mắc sởi tại Đồng Nai chưa được tiêm đủ vaccine.
Theo CDC tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 120 người từ 15 tuổi trở lên mắc bệnh sởi.
Trong đó, từ tháng 10/2024 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 bệnh nhân mắc bệnh sởi, độ tuổi dao động từ 20-40 tuổi, có những bệnh nhân bị bệnh rất nặng, suy đa cơ quan, phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
HM