In bài viết

Các địa phương chạy đua với thời gian ứng phó bão số 10

(Chinhphu.vn) – Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tranh trú an toàn; cấm tàu thuyền ra khơi; tích cực thu hoạch lúa, hoa màu; dừng các cuộc họp để đôn đốc nhân dân phòng tránh, ứng phó với bão số 10 là những hoạt động đang được chính quyền và nhân dân nhiều tỉnh ven biển triển khai nhằm hạn chế thiệt hại do bão có thể gây ra.

14/09/2017 10:16
Tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Lưu đã về tránh bão số 10 từ chiều 13/9.

Nghệ An: Cấm tàu thuyền ra khơi từ 7h ngày 14/9

Chiều 13/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 7h ngày 14/9.

Công điện nêu rõ các địa phương, đơn vị  sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biến biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nối đảm bảo an toàn.

Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 7 giờ 00 ngày 14/9/2017. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu an toàn.

Ngay từ chiều 13/9, đoàn công tác Quân khu 4 đã tới kiểm tra công tác triển khai, ứng phó với bão số 10 của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An.

Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình bão số 10, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng. Đồng thời, kiểm tra các khu vực, công trình trọng yếu và các hồ đập trên địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị các biện pháp ứng phó, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia sơ tán nhân dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 10 của tỉnh chiều 13/9

Hà Tĩnh: Dừng họp để phòng chống bão

Ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị liên quan dừng các cuộc họp để đôn đốc nhân dân phòng tránh bão.

Bên cạnh đó, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã ven biển bằng mọi biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Khẩn trương cử cán bộ xuống tận các xã, thôn để chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ người dân tổ chức thu hoạch nhanh gọn các trà lúa hè thu còn lại, các loại cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch trước khi bão vào, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lúa  đã chín, cây ăn quả đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do mưa bão...

Chiều 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã về công tác triển khai chủ động ứng phó với bão số 10.

Thanh Hóa: Cấm tàu thuyền ra khơi

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả với bão. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác phòng chống thiên tai khi có lệnh điều động…

Thừa Thiên - Huế: Kêu gọi tàu thuyền về tránh trú an toàn trước 12 h trưa 14/9

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết đã yêu cầu các địa phương tổ chức kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn trước 12 giờ ngày 14/9.

Các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu muộn và diện tích nuôi trồng thủy sản, có phương án chống úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu còn lại chưa kịp thu hoạch; hướng dẫn phương tiện vận tải đảm bảo an toàn ra vào cửa Thuận An và cảng Chân Mây; đảm bảo an toàn về người và phương tiện tại các công trình đang thi công; các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, đảm bảo an toàn.

Còn tại Quảng Bình, chiều 13/9, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học, đơn vị chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu trong phòng chống bão (dây thép buộc, cọc chống, nilon, đèn pin...); tiến hành ngay việc chằng chống, che đậy nhà cửa, phòng học; đặc biệt chú ý các nhà cấp 4, phòng máy tính, thư viện...

Những trường học có địa bàn chia cắt khi có lũ lụt phải có kế hoạch chủ động cho học sinh nghỉ học.

Các xe bơm di động của Công ty Thoát nước Hà Nội sẵn sàng khi có mưa sẽ di chuyển đến các điểm úng ngập. Ảnh: Hà Nội Mới

Hà Nội: Mở hết cửa hồ điều hòa để chống ngập

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan phải có phương án cụ thể để ứng phó bão số 10.

Trong đó, Công ty Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra bảo đảm vận hành trơn tru các cửa đập điều tiết như Thanh Liệt, hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu..., các cửa phai hồ điều hòa đã được mở 100% để đưa nước vào hồ khi có mưa lớn.

Tính đến 17h chiều 13/9, Công ty Thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị sẵn 20.000 bao tải cát, 10.000 m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng và nhân lực sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Toàn thể Công ty chuyển sang chế độ trực ban 24/24h kể từ 10h30 ngày 13/9.

Hơn 2.300 cán bộ-công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới của Công ty bảo đảm sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước khi có mưa lớn…

Tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung vào tránh bão tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: QĐND

Quân khu V: Thông báo cho gần 8.000 tàu cá chủ động di chuyển tránh bão số 10

Sáng 14/9, Phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Quân khu V cho biết các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã triển khai kịp thời các biện pháp nhằm chủ động ứng phó với bão số 10.

Đến sáng 14/9, bảy tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có 7.924 tàu cá, với 61.933 lao động đang hoạt động trên các vùng biển đã được các đơn vị, địa phương thông báo về bão số 10 để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và có biện pháp bảo đảm an toàn.

Thái Bình: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, sơ tán dân

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 10 h ngày 14/9; đến 18 h ngày 14/9, các địa phương phải hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn; trước 12 h ngày 15/9 hoàn tất việc sơ tán người dân sống tại các khu tập thể, nhà xuống cấp, khu vực xung yếu vào nơi an toàn.

Hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê chính; không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ.

Thanh Xuân