Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thị sát và chỉ đạo công tác trục vớt tàu chìm tại vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Báo Bình Định |
Bão số 12 đã làm cho 8 tàu vận tải hàng hóa lớn neo đậu tại phao số 0 thuộc vùng biển Quy Nhơn bị chìm; 2 tàu dạt vào bờ, mắc cạn khiến luồng lạch ra vào các cảng biển Quy Nhơn bị ách tắc.
Ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã thị sát và chỉ đạo việc trục vớt tàu chìm tại vùng biển Quy Nhơn. Công tác trục vớt phải tiến hành khẩn trương vì liên quan đến an ninh và hoạt động hàng hải ra vào các cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Tân Cảng.
Bộ trưởng cũng lưu ý khắc phục sự cố tàu gặp nạn phải khẩn trương, kịp thời nhưng cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con người và môi trường. Trước mắt, ưu tiên xử lý nguy cơ tràn dầu.
Báo Bình Định dẫn lời Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN, trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các tàu bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn, cho biết phương án đưa ra là trước khi tiến hành trục vớt sẽ hút dầu ra khỏi khoang máy các tàu, tiến hành quây phao, khoanh vùng để ngăn ngừa sự cố tràn dầu. Để bảo đảm thông luồng hàng hải, sẽ tiến hành đặt các phao cảnh báo tại các vị trí tàu bị chìm, đồng thời cố gắng thông luồng lạch ra vào cảng trong thời gian sớm nhất.
Điện lực Khánh Hòa khắc phục hư hỏng tại TBA 110 kV tai thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Ảnh: Báo Khánh Hòa |
Khánh Hòa: Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai
Chiều 7/11, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khắc phục đối với các trường học, cơ sở y tế và nhà ở bị thiệt hại sau bão số 12.
Ông Lê Đức Vinh đề nghị đơn vị quản lý các trường học, cơ sở y tế cần nhanh chóng xác định khối lượng hư hỏng cần sửa chữa. Nếu có vướng mắc thì báo cáo đơn vị chủ quản để tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, bổ sung ngân sách để khẩn trương sửa chữa, khắc phục…
Các địa phương khẩn trương rà soát danh sách đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị sập nhà hoàn toàn để chi hỗ trợ theo Nghị định 136. Các trường hợp khác giao Sở LĐTB&XH cùng đơn vị liên quan phối hợp giải quyết.
Các Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường điều động lực lượng quân đội ở các trường, đơn vị hỗ trợ các huyện giúp người dân khắc phục hậu quả bão lụt.
Tại Khánh Hòa, đến ngày 7/11, các tuyến đường do tỉnh quản lý cơ bản ổn định, lưu thông tốt.
TP. Nha Trang đã hoàn thành cấp điện trên 90% các cơ sở trên địa bàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả để đón khách trở lại.
Chiều 7/11, đến huyện Vạn Ninh thị sát tình hình khắc phục hậu quả bão lũ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà Sở TN&MT Khánh Hòa nhanh chóng đánh giá tình hình môi trường sau bão lụt, đặc biệt là những nơi sinh hoạt của người dân, để có biện pháp xử lý. Ông Trần Hồng Hà cho biết Khánh Hòa là địa phương bị ảnh hưởng rất lớn do bão gây ra nên Bộ sẽ ưu tiên kinh phí từ nguồn dự phòng để xử lý vệ sinh môi trường.
Tại Khánh Hòa, chiều 7/11, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Ban Quản lý cảng cá Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), hầu hết các ghe tàu của ngư dân đã trở lại hoạt động như ngày thường. Hiện nay, khoảng 465 tàu thuyền lớn nhỏ đang hoạt động tại khu vực cảng cá Vĩnh Lương.
Công ty Môi trường đô thị Nha Trang tập trung nhân lực dọn dẹp đường phố. Ảnh: Báo Khánh Hòa |
Quảng Ngãi: Huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ nhân dân
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu toàn bộ lực lượng của cả hệ thống chính trị, nhất là dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên tại chỗ khẩn trương hỗ trợ nhân dân vùng lũ, đặc biệt là tại các khu dân cư bị ngập sâu trong lũ vừa qua; hỗ trợ nhân dân làm nhà tạm và khắc phục các nhà bị hư hỏng để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, chủ động sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc men tại chỗ để cứu trợ nhân dân, không để một người dân nào bị đói, rét; các cơ sở y tế tăng cường lực lượng để chăm sóc người dân bị nạn.
Tập trung lực lượng cho việc vệ sinh môi trường tại các công trình, khu vực công cộng, nhà cửa của dân vùng bị ngập lũ; tiến hành khử trùng giếng nước sinh hoạt, dọn dẹp và chôn xác gia súc, gia cầm chết, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch bệnh xảy ra sau lũ.
Tại TP. Huế, việc vệ sinh môi trường được tiến hành ngay sau khi nước rút. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Ngày 7/11, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cơ quan ban ngành nắm sát tình hình mưa lũ để cảnh báo người dân và thực hiện các phương án di dời dân khi cần thiết. Tiếp tục tổ chức cứu người dân ở vùng ngập lụt, không để người dân bị đói, rét. Tăng cường công tác tự quản tại chỗ để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân .
Sau khi nước rút, tổ chức ngay việc dọn dẹp vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh; thống kê tình hình thiệt hại; khắc phục hệ thống giao thông bảo đảm thông tuyến, sửa chữa đê kè sạt lở; bảo đảm cấp điện trở lại an toàn; khôi phục việc cung cấp nước sạch cho vùng ngập lụt. Thực hiện hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt.
Thanh Xuân (tổng hợp)