![]() |
Ảnh minh họa |
TP.HCM: Tất cả các bệnh viện sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa phát đi văn bản yêu cầu tất cả các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, tăng cường tầm soát, chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với những trường hợp nghi ngờ.
Cụ thể, về tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với tất cả người đến cơ sở khám chữa bệnh như: Vệ sinh tay, mang khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế. Cập nhật nội dung khai báo người từ vùng dịch trở về cụ thể là Đà Nẵng tính từ ngày 1/7/2020. Người bệnh có triệu chứng liên quan đến COVID-19 và từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 phải được cách ly tại bệnh viện và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và điều trị kịp thời.
Tất cả bệnh viện cần củng cố, khôi phục các yêu cầu về phòng khám sàng lọc và khu cách ly theo quy định, bao gồm: Phòng khám sàng lọc tách rời hẳn khối nhà của khoa khám bệnh, khu cách ly riêng biệt đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ, xác định mắc bệnh SARS-CoV-2. Trường hợp bệnh viện chưa có khu cách ly, cần bố trí phòng cách ly tạm tại khoa khám bệnh nhằm hạn chế tiếp xúc với người bệnh khác trong khi chờ chuyển viện. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh, lưu ý đảm bảo tuân thủ đúng quy định về mang khẩu trang, rửa tay và sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân.
Đối với trạm y tế và các phòng khám tư nhân: Tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt bố trí khám ở khu vực riêng, phân luồng riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lý ca bệnh. Khi phát hiện người bệnh có triệu chứng liên quan đến COVID-19, liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để được hỗ trợ vận chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất có khu cách ly để chẩn đoán và điều trị.
Ở các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn: Khi tư vấn bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt phải ghi lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh, khuyến cáo cài đặt các ứng dụng khai báo y tế và thông báo cho Trung tâm Y tế quận huyện để theo dõi, quản lý ca bệnh.
Quảng Ngãi: Nhiều người dân đi Đà Nẵng về tự giác khai báo y tế
Những ngày qua, Quảng Ngãi có rất nhiều người dân đi về từ Đà Nẵng-nơi đang có nhiều ca bệnh COVID-19. Để chủ động phòng dịch COVID-19, phần lớn người dân đều tự nguyện đến các trạm y tế khai báo y tế.
Sau khi phát hiện bệnh nhân 419 tại Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 275 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Được chính quyền, y tế địa phương vận động, trong 2 ngày qua, các trường hợp này đã đến các trạm y tế để khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi, cách ly theo quy định.
Thống kê sơ bộ, trong ba ngày qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.000 trường hợp đi từ vùng dịch về đi khai báo y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản yêu cầu người dân tự giác đi khai báo y tế nếu từng đi Đà Nẵng về hoặc từng đến những địa điểm bệnh nhân 419 xuất hiện trong 14 ngày qua.
Bắc Ninh: Hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã có công văn yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID–19, trong đó thực hiện nghiêm Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Dịch COVID-19 và giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế, giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bắc Ninh, ngành Y tế đang tích cực chỉ đạo, phối vợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tới người dân, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID–19, hướng dẫn cách cài đặt ứng dụng khai báo y tế (NCOVI) và các khuyến cáo phòng, chống dịch.
Tuyên truyền cho những người từ Đã Nẵng về địa phương trong vòng 14 ngày sau ngày 12/7 thực hiện khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà. Khi có triệu chứng bất thường như: Sốt, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, dự trù cơ số vật tư, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm …
Đối với các đơn vị điều trị, Sở Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm túc phân luồng, phân loại, cách ly và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống lây chéo qua đường hô hấp trong cơ sở khám chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thừa Thiên-Huế: Lập thêm chốt kiểm tra y tế
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến thời điểm này đã thống nhất thành lập 6 điểm chốt chặn ở các tuyến đường trọng yếu để kiểm soát y tế người từ các vùng có dịch, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, bao gồm: Điểm ở trạm trung chuyển hầm Hải Vân, điểm ở thị xã Hương Thủy, điểm ở Bốt Đỏ huyện A Lưới, điểm ở thị xã Hương Trà, điểm ở xã Phong Thu huyện Phong Điền và điểm ở ga Huế.
Trước việc nhiều người từ Đà Nẵng đang đổ về Huế tránh dịch, gây áp lực lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, vì thế tỉnh ngoài việc lập các điểm chốt chặn để đảm bảo công tác phòng chống dịch, trong chiều 28/7, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cho lập thêm điểm ở Lăng Cô huyện Phú Lộc để kiểm soát người đi ô tô từ phía nam ra Huế và các tỉnh phía bắc (cách chốt kiểm tra phương tiện xe mô tô 3km). Đảm bảo tất cả phương thiện đi qua Thừa Thiên Huế phải được kiểm soát chặt chẽ.
Các điểm chốt chặn sẽ có nhiệm vụ kiểm soát người dân vào tỉnh, nhất là người từ Đà Nẵng vào phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, kích hoạt phần mềm truy tìm dấu vết dịch tễ, phần mềm khai báo y tế. Người từ Đà Nẵng đi ra Huế phải được cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, giám sát y tế và phải lấy mẫu xét nghiệm bắt buộc theo quy định. Thực hiện kiểm soát, yêu cầu khai báo y tế đối với người và phương tiện vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế 24/24 giờ.
Quảng Ninh: Cảnh giác, quyết liệt chống dịch
Ngay sau khi Đà Nẵng, Quảng Ngãi có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát, củng cố lại hệ thống phòng, chống dịch tại đơn vị để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để sai lầm, khuyết điểm, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ với những tình huống phức tạp nảy sinh (nếu có).
Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, UBND các địa phương: Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp xuất nhập cảnh không được kiểm soát theo quy định; phòng, chống buôn lậu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin từ cộng đồng dân cư để kiểm soát được các trường hợp người trở về, hoặc có tiếp xúc gần với trường hợp từ các vùng có dịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công an tỉnh chỉ đạo công tác quản lý cư dân trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp nhập xuất cảnh trái phép di chuyển từ nơi khác đến; các trường hợp nghi có tiếp xúc với người trở về từ vùng dịch. Các địa phương, sở, ngành, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ người đến từ, đi qua Đà Nẵng từ ngày 12/7/2020 đến nay, phải khai báo đầy đủ với cơ quan y tế; chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, tự cách ly trong thời gian 14 ngày tại nhà; trong trường hợp có dấu hiệu bất thường (ho, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực...) phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 phải thực hiện cách ly, theo dõi y tế theo quy định. Đồng thời tăng cường thông tin yêu cầu người dân tự giác khai báo y tế và kịp thời thông tin cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các trường hợp có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, người nghi nhiễm, người đến từ/đi qua vùng có dịch để thực hiện các biện pháp dịch tễ theo quy định./.