Ảnh minh họa |
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng xuống các vùng đang xảy ra dịch để theo dõi sát diễn biến tình hình, hướng dẫn người dân các biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống. Đồng thời, cấp bổ sung cho các xã (Duy Trinh và Duy Châu) hơn 55.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 để khẩn trương tổ chức tiêm phòng cho các đàn gia cầm chưa bị mắc bệnh. Cạnh đó, sử dụng 4 máy bơm động cơ triển khai phun hơn 100 lít hóa chất để vệ sinh tiêu độc, khử trùng những khu chăn nuôi và các điểm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gà, vịt sống.
Đội ngũ thú y và cơ sở cũng chia nhau thành nhiều tổ, mỗi tổ gồm 3 người khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh cho các đàn gia cầm. Trong khi đó, người dân tích cực dùng vôi bột rắc khắp nơi và sử dụng bình bơm loại nhỏ phun hóa chất, tiêu độc chuồng trại.
Đồng thời, UBND huyện Duy Xuyên cũng đã ban bố lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm trên địa bàn toàn xã Duy Trinh và Duy Châu yêu cầu: gia cầm nhập về địa phương phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.
Các địa phương xảy ra dịch cũng đã lập nhiều điểm chốt chặn ở những khu vực trọng yếu, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh. Những đơn vị liên quan cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng chống dịch, nhất là không vứt bừa bãi xác gia cầm nhiễm bệnh chết ra môi trường, tự giác khai báo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi đàn gia cầm có dấu hiệu nhiễm vi rút cúm A/H5N1...
Sau khi phát hiện dịch cúm gia cầm tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan trên diện rộng.
Được biết, đối với các trang trại, khu vực chăn nuôi, nơi tập trung lượng lớn gia cầm, lực lượng thú y địa phương đã phun thuốc khử trùng, bao vây, dập dịch. Các hộ không nuôi vịt, gà vẫn tiến hành phun thuốc sát trùng trên địa bàn toàn xã, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh chuồng trại, quét, đốt và phun thuốc sát trùng.
Để phòng dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng, huyện Đức Phổ tiếp tục cho tiêm phòng và phun dung dịch khử trùng tại các xã lân cận. Huyện cũng đã phân bổ 20.000 liều vaccine và 60 lít hóa chất cho các địa phương chủ động phòng chống dịch.
Cùng với đó, huy động toàn bộ lực lượng thú ý viên của các xã lân cận để tập trung dập dịch, tiêm phòng từ vòng ngoài vào bên trong vùng dịch, còn những đàn vịt nào phát sinh nữa thì tập trung tiêm cho hết.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ ở xã Giao Hà, huyện Giao Thủy. Các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết như tiêu hủy số gia cầm mắc bệnh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng dập dịch đồng thời lập ba chốt kiểm dịch tại xã Giao Hà để kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm ra vào tại đây.
Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định đã có Công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố cùng các Sở, ngành trong tỉnh triển khai khẩn trương kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm, theo đó tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định phân công cán bộ trực 24/24 đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn các hộ chăn nuôi và cán bộ địa phương các bước phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh kiểm tra để tránh tình trạng giấu dịch.
Phương Nhi