Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát, quyết liệt, kịp thời của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là của Bộ Tài chính, TP. Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của Thủ đô năm qua đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.
Tổng sản phẩm trên địa bàn thủ đô (GRDP) phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trên 332.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản được kiểm soát, dự kiến trung bình cả năm 2022 dưới 4%.
Còn tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho hay, trong năm qua, cơ quan thuế, hải quan đã tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách thuế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý thu. Ngành tài chính TPHCM đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ, thu ngân sách Nhà nước vượt mức dự toán được giao, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế và các chính sách an sinh xã hội.
Đến thời điểm hiện nay, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố là 449.281 tỷ đồng, đạt 116,22% dự toán; trong đó, thu nội địa (kể cả thu dầu thô) là 312.164 tỷ đồng, đạt 115,59% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 137.105 tỷ đồng, đạt 117,69% dự toán.
Về thách thức trong năm 2023, đại diện các đầu tàu kinh tế đều dự báo nền kinh tế trong nước phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng. Đại diện TP. Hà Nội và TPHCM đều cho rằng, việc hoàn thành chỉ tiêu thu - chi ngân sách, bảo đảm cân đối nguồn cho chi đầu tư phát triển và phấn đấu đạt vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023 là thách thức lớn của ngành tài chính nói chung và các địa phương nói riêng.
Lãnh đạo các đầu tàu kinh tế khẳng định sẽ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững; tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm.
Đại diện địa phương có số thu tương đối lớn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh cho hay, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện cả năm 2022 đạt 30.372 tỷ đồng, bằng 99,4% dự toán, bằng 91,3% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 22.772 tỷ đồng (bằng 97,9% dự toán, bằng 89,2% so với thực hiện năm 2021); thu nội địa không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết ước thực hiện 21.250 tỷ đồng (đạt 110,4% dự toán và bằng 99,6% so với thực hiện năm 2021).
Cùng với đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 7.600 tỷ đồng (bằng 104,1% dự toán, bằng 98,9% so với thực hiện năm 2021).
Để có được kết quả trên, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động trong điều hành quản lý ngân sách, kịp thời triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, chính sách về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.
Đại diện một địa phương ở miền Trung, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2022, thành phố đã tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường công tác tuyên truyền đến người nộp thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế; thực hiện điều hành chi ngân sách chặt chẽ, linh hoạt theo dự toán giao…
Tính đến thời điểm 16/12/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 22.895,7 tỷ đồng, bằng 116,6% dự toán giao, trong đó, thu nội địa bằng 117,8% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 113% dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương là 14.563,8 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển theo dự toán giao đầu năm bằng 85% kế hoạch Trung ương giao, chi thường xuyên đạt 88% dự toán giao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỉ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phươngvượt 20,4% dự toán.
Anh Minh