Dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 190.000-230.000 tấn phân bón, phân bón Cà Mau đáp ứng đủ nhu cầu bà con các tỉnh miền Nam trong vụ Hè Thu 2021. Ảnh: VGP/Minh Thi |
Giá phân bón tăng cao do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào (cụ thể là giá khí tăng nhanh). Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, giá phân bón tại Việt Nam có tốc độ tăng chậm hơn nhiều so với giá phân bón thế giới. So với tháng 12/2020, chỉ tính riêng urea hạt đục, tại Nola đã tăng 43%, từ 246 USD/tấn lên 353 USD/tấn, hay tại Trung Đông tăng 38%, từ 261 USD/tấn lên 360 USD/tấn.
Giá urea hạt đục tại thị trường Đông Nam Á cũng tăng nhanh trong thời gian nói trên, cụ thể, tăng từ 270 USD/tấn lên chạm ngưỡng 367 USD/tấn, tương ứng với mức tăng 36%.
Tại Việt Nam, ngày 3/3, các đại lý phân bón Cà Mau tại khu vực phía Nam cho biết, phân đạm urea đang được nhà máy sản xuất chào bán với giá 8.500 đồng/kg, tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới.
Cũng trong thời điểm này, giá lúa gạo tăng 25-35% so với cùng kỳ năm ngoái. So với thời điểm đầu thu hoạch vụ Đông Xuân, giá lúa tươi đã tăng thêm 1.500-2.200 đồng/kg. Ngoài ra, việc tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu cũng diễn ra thuận lợi.
Tại nhiều địa phương, để né hạn mặn và tranh thủ thời gian, nên sau khi thu hoạch xong bà con xuống giống luôn, dẫn tới nhu cầu phân bón tăng cao hơn so với thông thường. Vì thế, tình trạng thiếu hụt cục bộ diễn ra tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt ngay khi các doanh nghiệp lớn trong ngành bù đắp được lượng thiếu hụt.
Minh Thi