Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có cuộc làm việc với Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cùng với đại diện của 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện đang kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam do ông Michael Michalak, Giám đốc Điều hành khu vực - USABC, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam làm trưởng đoàn.
Theo TTXVN, nội dung đề xuất của USABC là lắng nghe các ưu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022 và khả năng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đồng thời, hai bên trao đổi về khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể như: phát triển bền vững, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, y tế, cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng các bon thấp…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN trong những nỗ lực kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 nước nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương và những đề xuất, khuyến nghị chính sách và giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam;
Bộ trưởng đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên USABC tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất hợp tác với các cơ quan và địa phương để có giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Michalak khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nêu một số ưu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022. Đó là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025…
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư nghiên cứu, phát triển những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh hợp tác phục vụ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế như: Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực năng lượng các bon thấp và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp chất lượng, hiệu quả cao,… tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ giúp đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện của một số doanh nghiệp cũng đưa ra nhận xét về tình hình và xu hướng đầu tư của doanh nghiệp mình. Đại diện các doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến 20/02/2022, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong danh sách 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện có 1.145 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,3 tỷ USD.
Tính theo địa phương, các dự án của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu với vốn đầu tư 4,61 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh (12,2% tổng vốn đầu tư), Bình Dương (9%), và Đà Nẵng (7,1%)…
Tính theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 32% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi chiếm lần lượt 5,1% và 3,9% tổng vốn đầu tư…
Mặc dù, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vẫn duy trì hoạt động, mở rộng đầu tư và tìm kiếm những cơ hội mới tại Việt Nam, như: Apple, Google, Netflix, Dell, Intel, …
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế, hội nhập nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh 3 định hướng chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; đổi mới kinh tế nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Việt Nam coi doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là động lực tăng trưởng chính và thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính…/.