Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã tiến hành rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật đầu tư công theo hướng đơn giản hoá thủ tục, bao gồm 29 chính sách mới, tập trung trong 5 nhóm lĩnh vực.
"Một trong 5 nhóm chính sách được sửa đổi là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, bằng cách thiết kế một chương riêng", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện với tiến độ khẩn trương, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển. Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội.
Tại Hội thảo, đại diện các đối tác phát triển đánh giá cao dự thảo của Luật Đầu tư công (sửa đổi), đặc biệt là các chính sách về dự án ODA. Những cơ chế, chính sách được cho là vượt trội.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung của dự thảo như phân cấp, phân quyền trong việc phê duyệt và thực hiện các dự án; đơn giản hoá thủ tục đầu tư dự án; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập...
Đồng thời, các nhà tài trợ cũng mong muốn Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn để có thể thực hiện luật ngay sau khi có hiệu lực.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi thiết kế chương ODA, Ban Soạn thảo đặt ưu tiên giải quyết những khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án ODA.
Dự thảo phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản. Những phân cấp này phù hợp với các chính sách pháp luật trong nước. Theo đó, các dự án viện trợ không hoàn lại được phân cấp cho UBND.
Đáng chú ý, trước đây dự án chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Nhiều đối tác phát triển đã có ý kiến về việc phải bổ sung kế hoạch hàng năm sẽ ảnh hướng đến tiến độ triển khai, giờ dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cho phép triển khai rồi báo cáo cấp có thẩm quyền sau (hậu kiểm).
Theo bà Susan Lim đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mục tiêu chính là làm sao sử dụng hiệu quả nhất vốn ODA. Bà Susan cũng đánh giá cao các thay đổi lớn của dự thảo như đơn giản hóa thủ tục; trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở cấp chính quyền địa phương.
"Với dự án khẩn cấp, ADB đề xuất cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, ví dụ các dự án về thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu", Bà Susan Lim gợi ý.
Ông Daniel Plankermann, Giám đốc Ngân hàng tái thiết Đức tại Việt Nam cho rằng, tác động của các thay đổi trong chính sách là tích cực, giúp khai mở tiềm năng trong quá trình triển khai các dự án ODA, quan trọng là các thông tư hướng dẫn và cũng cần phải thay đổi các văn bản pháp luật khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
"Trong quá trình chuyển tiếp, sẽ có những rủi ro do thay đổi chính sách. Làm sao để quá trình chuyển tiếp được đơn giản hóa, các dự án đang chuẩn bị cũng được hưởng lợi là vấn đề cần quan tâm', ông Daniel lưu ý.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết dự thảo Luật đã đề cập vấn đề xây dựng nghị định và sẽ hoàn thiện khi Luật được thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khẩn trương xây dựng nghị định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cố gắng trong thiết kế chính sách để các dự án đang chuẩn bị cũng được hưởng lợi, đồng thời phân loại rõ điều kiện đối với các dự án này.
Minh Ngọc