Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan có các giải pháp thiết thực và hiệu quả để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai như sau:
Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp như: Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP…; để thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành: Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 245/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 16/1/2019); Danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, trong đó có rau quả (Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018); Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp,… Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương chỉ đạo:
Tập trung đàm phán, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ đã tích cực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới. Đến nay, đã mở cửa thành công nhiều thị trường: Thị trường Trung Quốc đã chấp nhận 9 loại trái cây xuất khẩu từ Việt Nam gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt và đang đàm phán cho các loại trái cây sầu riêng, chanh leo, bơ, na, doi, dừa,…
Với các thị trường yêu cầu cao về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, trái cây Việt Nam cũng đã được phép xuất khẩu như Mỹ (thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài, vú sữa), Úc (thanh long, vải, xoài), Nhật Bản (thanh long, xoài, vải), Hàn Quốc (thanh long, xoài), New Zealand (thanh long, chôm chôm, xoài)…
Đặc biệt, ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Bộ tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) hoàn tất thủ tục và xuất khẩu sang Nhật trái vải tươi niên vụ 2020 của Việt Nam.
Các loại trái cây đang trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường với Mỹ (bưởi), Nhật (nhãn, vú sữa, chanh leo), Hàn Quốc (bưởi, vú sữa, nhãn), Úc (nhãn, chanh leo), New Zealand (nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít), Argentina (nhãn, xoài), Đài Loan (xoài, vải, bưởi, chôm chôm),…
Cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Song song với các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, Bộ đã tổ chức các diễn đàn hội nghị kết nối giao thương, hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng, miền trong nước; chỉ đạo sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm chất lượng cao đưa vào hệ thống siêu thị, chợ toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ đã nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, chuẩn bị ứng phó với yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt gần đây là việc phổ biến, cập nhật quy định của Trung Quốc; xây dựng, trình Chính phủ Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành; có cơ chế, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, tổ chức sản xuất theo tín hiệu và nhu cầu thị trường; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu đối với sản phẩm đặc trưng của địa phương; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc kết nối và tiêu thụ trái cây tại thị trường trong nước.