In bài viết

Các ‘giấy phép con’ ngày càng tinh vi hơn

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, hiện nay, hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, có thể bao gồm giấy phép, giấy chứng nhận…, nhưng cũng có những hình thức rất khó để nhận diện.

16/06/2017 13:39
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng còn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh vô lý.

Tại hội thảo điều kiện kinh doanh 2017 ngày 15/6, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt ra hàng loạt câu hỏi.

“Tại sao lại phải chứng nhận đủ điều kiện nghiên cứu khoa học, trong khi nó là một hoạt động bản năng sáng tạo của con người. Cấp giấy như vậy là triệt tiêu sáng tạo của con người”, ông Cung nói và dẫn dụ trường hợp một cá nhân phải sang Thái Lan đăng ký kinh doanh nhằm xuất sản phẩm sang Malaysia.

“Nghị định chế biến thực phẩm đòi hỏi phải dùng muối i-ốt trong khi chế biến ở nhiệt độ cao muối đâu còn I ốt. Nhiều điều kiện kinh doanh vô lý như vậy”, ông Cung dẫn chứng tiếp.

Theo CIEM, với 700 điều kiện kinh doanh được đặt ra trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công thương đang là ngành dẫn đầu trong các ngành khi chiếm tới trên 20% số điều kiện kinh doanh.

Những ngành có số lượng lớn điều kiện kinh doanh còn có tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, thông tin và truyền thông, tài nguyên môi trường.

Rủi ro lớn cho kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết hiện nay có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải số ngành nghề kinh doanh có điều kiện "mẹ" được thống kê là 30, nhưng số ngành nghề kinh doanh có điều kiện "con" lên tới 63 ngành nghề. Con số tương tự với các lĩnh vực tài chính là 20 ngành "mẹ", 60 ngành "con"; lĩnh vực y tế 16 ngành "mẹ" và 52 ngành "con"; lĩnh vực xây dựng là 17 ngành "mẹ" và 26 ngành "con"; lĩnh vực ngân hàng là 8 ngành "mẹ" và 31 ngành "con"…

Về hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức rất khó để nhận diện, như nộp đơn xin phép, hay thông báo cho cơ quan quản lý, nhưng phải được chấp thuận, thì mới được hoạt động… Do đó, điều kiện kinh doanh có nhiều hình thức rất khó để nhận diện.

Trong nhiều trường hợp, khi đã đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp còn phải chứng minh bằng việc xin một cái giấy nào đấy để xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. Theo đó, để xin được giấy phép, các doanh nghiệp lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính. Chưa hết, khi xin được giấy rồi, doanh nghiệp lại bị giới hạn bởi thời gian kinh doanh quy định như 5-10 năm. Sau thời gian đó lại phải tiếp tục xin lại.

Với ngành kinh doanh kế toán, phải bảo đảm tỉ lệ góp vốn của kế toán viên, có ít nhất hai thành viên và có đăng ký hành nghề. Song điều kiện kinh doanh lại đặt ra yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, tính liêm khiết, có bằng tốt nghiệp đại học, có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên… là không phù hợp.

“Điều này gây ra gánh nặng chi phí về mặt thời gian và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Bởi, nhiều khi làm xong được giấy phép kinh doanh, thì đã mất cơ hội kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.

Cần cơ quan độc lập để 'cắt xén' điều kiện kinh doanh

Đồng tình với ý trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cải cách về điều kiện kinh doanh đã được tiến hành từ lâu.

“Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh bây giờ phức tạp và tinh vi hơn trước, thậm chí có những điều kiện có xu hướng áp đặt cứng nhắc các tiêu chí không phù hợp như phải sở hữu hệ thống hạ tầng quá lớn, lãnh đạo phải có bằng cấp… Chúng nằm rải rác với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho biết về những lý do các điều kiện kinh doanh này tồn tại, thậm chí là gia tăng. Đó là các cơ quan nhà nước dùng các điều kiện kinh doanh để phục vụ cho quản lý nhà nước, thay vì các mục tiêu, như: bảo vệ người tiêu dụng, hay bảo đảm trật tự an ninh xã hội…

Thậm chí, có dấu hiệu các doanh nghiệp lobby cho một số bộ ngành đặt ra giấy phép kinh doanh để loại đối thủ cạnh tranh. Hoặc mục tiêu tạo quyền lợi cho nhóm cho doanh nghiệp hoặc 1 cơ quan quản lý nhà nước…

Để giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phải “cắt xén” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, tác động không cân xứng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh, mà tất cả các quy định pháp luật khác.

Trong đó, ông Hiếu nhấn mạnh đến việc thành lập một cơ quan độc lập để thực hiện rà soát, “cắt xén” các điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật không hợp lý.

Ngoài ra, cũng cần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cho cán bộ liên quan; thay đổi tư duy quản lý bằng mọi giá bằng tư duy quản lý không gây ảnh hưởng đến kinh doanh và xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, những điều kiện này can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp quá nhiều, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh này, cần phải có cơ chế độc lập để đánh giá những tác động mà doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng vì những điều kiện này.

Thu Hà