Sáng 16/2, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2024.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cộng đồng ngư dân các làng biển tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Trong chuyến mở biển, bà con ngư dân kỳ vọng một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng và bội thu.
Xã Bình Châu có khoảng 1.700 lao động chuyên làm nghề biển, số đoàn viên tham gia nghiệp đoàn nghề cá là trên 1.300 đoàn viên. Ngư dân nơi đây xác định hai ngư trường truyền thống là Trường Sa và Hoàng Sa nên mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng công suất tàu thuyền để ra khơi đánh bắt hải sản; địa phương phát triển mạnh các nghề như lặn, lưới rê, lưới vây, lưới rút, câu,…
Ông Đỗ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, toàn xã có 495 chiếc tàu thuyền, còn lại là một số thuyền nhỏ và thúng nan. Đến nay, toàn xã có 236 tàu cá hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tổng sản lượng khai thác đánh bắt trong năm 2023 đạt 21.000 tấn.
Trước đó, tại cửa biển Sa Huỳnh, ngư dân phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng rộn ràng tổ chức lễ hội ra quân nghề cá đầu xuân.
Từ sáng sớm, các bô lão đại diện cho cộng đồng ngư dân mặc áo dài, khăn đóng cúng thần Nam Hải; khấn cầu, xin mở cửa biển với mong một năm trời yên biển lặng, lộc biển dồi dào về với ngư dân địa phương.
Sau khi phát lệnh và gióng lên hồi trống lệnh ra quân, cùng tiếng reo hò, cổ vũ của nhân dân địa phương, đoàn tàu cá của ngư dân địa phương đã lần lượt nổ máy vươn khơi.
Năm 2024, phường Phổ Thạnh phấn đấu khai thác trên 65.000 tấn hải sản các loại. Đặc biệt, ngư dân sẽ tiếp tục thành lập các tổ đội tự quản trong thời gian hành nghề trên biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau khi gặp thiên tai trên biển cũng như nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Sáng 15/2, tại thôn An Hải Tây, xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng đã tổ chức Lễ hội cầu ngư và nghinh thần Nam Hải. Đây lễ hội lớn nhất của ngư dân, là tín ngưỡng đặc trưng về văn hóa tâm linh của ngư dân ven biển.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: Trong năm 2023, sản lượng đánh bắt hải của xã Tam Quang đạt được hơn 18.000 tấn. Hiện huyện Núi Thành có hơn 400 tàu thuyền có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, trong đó xã Tam Quang có 200 tàu thuyền, qua đó đã tạo việc làm cho 4.000 lao đồng trực tiếp và phục vụ hậu cần khai thác đánh bắt xa bờ.
Tại lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm, ngư dân Võ Văn Hân, Chủ tàu QNg 90625 – TS, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, cộng đồng ngư dân ven biển đã chuẩn bị rất chu đáo các nghi thức cho chuyến biển đầu năm. Sau khi thực hiện các nghi lễ truyền thống như: Cúng cầu an, cầu may tại cảng cá, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ tại xã Bình Châu đã vươn khơi, bắt đầu mùa đánh bắt hải sản năm 2024.
"Chúng tôi mong muốn trong năm mới địa phương sẽ có thêm nhiều tàu công suất lớn để thường xuyên bám biển dài ngày, vừa khai thác hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ngư dân Võ Văn Hân cho biết.
Ngư dân Dương Văn Cử, chủ tàu cá 00199 TS, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, năm nào chúng tôi cũng tham gia lễ hội cầu ngư để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, đánh bắt trúng nhiều mẻ tôm, cá đầy khoang.
"Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ và tiếp đầy nhiên liệu với chi phí gần 100 triệu đồng. Sau lễ hội cầu ngư, tàu sẽ vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa của Việt Nam", Ngư dân Dương Văn Cử cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các lễ hội cầu ngư, lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm là hoạt động đậm chất truyền thống, tạo khí thế để ngư dân vững tin vào mùa đánh bắt mới, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân trong quá trình vươn khơi, bám biển; giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lưu Hương