Tiếp đà tăng trưởng, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) tiệm cận ngưỡng 60.000 tỷ đồng. PGBank hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Kết thúc nửa đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của (PGBank) cải thiện đáng kể, hoàn thành tương ứng gần 50% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản PGBank ghi nhận 59.715 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2023; dư nợ tín dụng PGBank đạt 36.703 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2023, đạt 97,8% kế hoạch 6 tháng đầu năm.
Những chỉ số kinh doanh tích cực 6 tháng đầu năm của PGBank là kết quả của loạt giải pháp đột phá nhằm tăng năng lực cạnh tranh như: Hoàn thiện thể chế, quy trình; phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong 6 tháng đầu năm, PGBank tập trung hoàn thiện thể chế, quy trình, quy chế để xây dựng nền tảng vững chắc, song song, triển khai các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được áp dụng trong quá trình ra quyết định kinh doanh góp phần rút ngắn quy trình tín dụng và kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Ngân hàng này cũng tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực công nghệ thông tin hiện có bằng việc bắt tay vào triển khai các ứng dụng cốt lõi như nâng cấp hệ thống Ngân hàng lõi nhằm phát triển các dịch vụ, sản phẩm hướng tới khách hàng, tăng cường trải nghiệm khách hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng nhanh nhất...
Còn Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, với kết quả ấn tượng ở những hạng mục kinh doanh cốt lõi, với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần (NII) tăng lên 18,0 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 2, NII đạt 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với quý trước (tương đương mức tăng 50,6% so với quý 2 năm 2023). Kết quả này được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng lành mạnh và chi phí vốn tiếp tục giảm xuống mức 3,2%.
Trong quý 2, Techcombank ghi nhận phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng. Chi phí dự phòng ghi nhận ở mức 2.855 tỷ đồng, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ ở mức lành mạnh 101% tại cuối quý 2/2024. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1,3%, và tỷ lệ an toàn vốn tăng lên mức 14,5%.
Vị thế vốn của ngân hàng vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 79,6% tại 30/6/2024, tuân thủ mức trần 80% theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 24,2%, thấp hơn mức 25,1% tại ngày 31/3/2024. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng lên mức 14,5% tại 30/6/2024, sau khi Ngân hàng đã hoàn tất chi trả cổ tức bằng tiền mặt, với tổng giá trị lên tới 5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục nằm trong ngưỡng mục tiêu 14-15%, đồng thời thể hiện khả năng sinh lời vượt trội trên vốn tự có của ngân hàng.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay mua nhà phục hồi lên mức 181,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kì. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt 31,2 nghìn tỷ trong quý 2/2024, quay trở lại mức trung bình/quý trước khi thị trường bất động sản gặp khó khăn trong giai đoạn nửa sau năm 2022 đến quý 3/2023.
Techcombank kết thúc nửa đầu năm 2024 với khoảng 14,4 triệu khách hàng, bổ sung thêm khoảng gần 1 triệu khách hàng mới trong kỳ. Có đến 55% khách hàng cá nhân gia nhập thông qua nền tảng số và 44% từ kênh chi nhánh, đặc biệt nhờ chương trình mở rộng nhóm khách hàng nhà bán lẻ (merchant).
Các chuyên gia tín dụng đánh giá cao kết quả kinh doanh quý II của LPBank nhờ tăng trưởng ấn tượng. Đây là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 lên tới 3 con số.
Cụ thể, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.919 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ. Trước đó, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt hơn 2.886 tỷ đồng. Với lợi nhuận quý II ở mức trên 3.033 tỷ đồng, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ở 2 quý liên tiếp và tăng gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia của tổ chức tín dụng này đánh giá kết quả ấn tượng của LPBank là nhờ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, LPBank cũng chú trọng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ như kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu…
Các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán (VNDirect) cho biết, sau một thời gian tăng giá do chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của toàn ngành ngân hàng dự báo sẽ tăng 13,5% so với cùng kỳ trong năm 2024. Trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng TOI là 15% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, các ngân hàng có thể duy trì tăng trưởng tín dụng cao và biên lãi ròng ổn định sẽ có tăng trưởng TOI cao nhất ngành như: HDBank, Techcombank, MB, VPBank, TPBank.... có thể chứng kiến sự phục hồi ấn tượng do mức nền thấp trong năm 2023.
VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của toàn ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 23,8% so với cùng kỳ. Trong đó, VPBank, LPBank và VietinBank có thể sẽ là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao trong ngành.
Chuyên gia dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngành cả năm sẽ dao động khoảng 19,4%, cao hơn một chút so với quý I/2024 (19,2%)...
Theo VNDirect, sau một thời gian tăng giá do chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh. Luận điểm tiếp theo cho quan điểm trên là áp lực tỷ giá giảm khi lãi suất Mỹ giảm và môi trường kinh tế tổng thể ổn định hơn sẽ giảm bớt áp lực thanh khoản cho hệ thống. Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ là ngành đầu tiên hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý II sẽ có sự phân hóa rõ rệt khi chứng kiến những ngân hàng ghi nhận mức tăng lợi nhuận lên tới 60% so với cùng kỳ nhưng cũng có những ngân hàng mức tăng trưởng chỉ ở mức một con số hay thậm chí có lợi nhuận đi lùi.
Còn theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MBS, biên lợi nhuận (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng trong quý 2 khả quan hơn so với quý 1 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh. Cùng với đó, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý 2 này.
Từ những phân tích trên, MBS nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank.
Cụ thể, MBS dự báo tăng trưởng tín dụng của VPBank đến cuối tháng 6 có thể đạt 11,5%, tương ứng lợi nhuận quý 2 tăng khoảng 62% so với cùng kỳ 2023. HDBank dự kiến đạt mức tăng trưởng tín dụng 9%, lợi nhuận quý 2 tăng 38%. Techcombank dự báo tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 ở mức 12%, lợi nhuận quý 2 tăng 26%...
Trước đó, theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước được công bố vào đầu tháng 7, các tổ chức tín dụng cho biết tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý 2/2024 có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý 1/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Anh Minh