Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, ngay từ đầu năm, toàn hệ thống Agribank đã nỗ lực, phát huy tối đa kết quả đã đạt được năm 2023, tập trung tối đa mọi nguồn lực chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến. Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Cụ thể, ngân hàng triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới; tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Một số chương trình tín dụng ưu đãi được ngân hàng triển khai rất hiệu quả. Đơn cử chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân. Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, Agribank cũng là ngân hàng giải ngân nhiều nhất. Cụ thể, Agribank đã phê duyệt 11 Dự án Nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng; dự kiến sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Hiện nay đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.
Với VietinBank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng đã triển khai rất mạnh mẽ các chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN trong tăng trưởng tín dụng. Đến 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 6,7%, đến ngày 22/7 đạt 7%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngân hàng dưới sự chỉ đạo sâu sát của NHNN. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng quản trị rất chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và NHNN đưa ra.
Dưới góc độ ngân hàng TMCP tư nhân, Chủ tịch HĐQT HDBank ông Kim Byoungho chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, HDBank đã nhanh chóng triển khai quán triệt đến đơn vị kinh doanh toàn hệ thống, ra mắt nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp chỉ từ 5-6%/năm, tinh gọn quy trình cấp tín dụng và phối hợp chặt chẽ với khách hàng để nắm bắt rõ nhu cầu và vướng mắc của từng đối tượng cụ thể và cho ra mắt sản phẩm và giải pháp phù hợp. Nhờ đó tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng của HDBank đạt hơn 382 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ ở mức 1,2%...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng đánh giá các ngân hàng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, chủ động kết nối với các DN, ngành nghề, ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ người dân và DN.
Đồng thời cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02 được 230.408 tỷ đồng, hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; triển khai quyết liệt Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Bên cạnh đó, các TCTD đã chủ động chấn chỉnh toàn diện trên các mặt về quản trị, tài chính và hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến 31/5/2024, toàn hệ thống vốn điều lệ tăng 1,09%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ngưỡng 12,01%, tỷ lệ vốn ngắn hạn trên trung dài hạn dưới 30 %, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận: Dù đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều thách thức với ngành ngân hàng. Đó là áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, DN không trả nợ cũ, tạo sức ép hạ chuẩn tín dụng... Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024, đến nay mới đạt khoảng 6%, những tháng còn lại là một thách thức đối với ngành Ngân hàng bởi mặc dù các TCTD đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi xuất vay rất thấp, song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án SXKD thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao...
Đại diện một số ngân hàng đề nghị, các bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu; trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết: Tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Từ cuối tháng 3/2024 đến nay đã có xu hướng phục hồi và cải thiện. Kết thúc quý II/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, hoàn thành mục tiêu "phấn đấu đết hết quý II/2024 đạt 5-6%" theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, đến cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%.
Công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
"Về cơ bản, các đơn vị triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024. Các mặt công tác khác tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, DN cần được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Đối với việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, Thống đốc lưu ý các TCTD cũng cần chú trọng việc phổ biến, quán triệt thông tư tới toàn hệ thống, bảo đảm thông tư đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để DN, người dân hiểu được chính sách. Bản thân TCTD cũng phải căn cứ quy định mới để rà soát, sửa đổi quy trình hoạt động, nghiệp vụ của tổ chức mình sao cho phù hợp.
Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD chú trọng tới việc nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống. Hoạt động quản trị rủi ro của các TCTD phải bao quát, toàn diện với tất cả các mặt hoạt động.
"Đối với riêng hoạt động tín dụng, TCTD phải thường xuyên rà soát, đối chiếu để kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng an toàn hiệu quả, phối hợp với sở, ban ngành địa pương để nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó là nâng cao vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ...", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Anh Minh