In bài viết

Các ngân hàng tích cực vào cuộc triển khai chỉ đạo của Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết đã tích cực vào cuộc, có các giải pháp cấp bách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó. Đồng thời, đại diện các ngân hàng cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các đối tượng bị thiệt hại do bão lũ, sớm khôi phục các hoạt động kinh tế.

21/09/2024 05:48
Các ngân hàng tích cực vào cuộc triển khai chỉ đạo của Chính phủ- Ảnh 1.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Vào cuộc tích cực, khẩn trương

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết: Khi cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá nhiều địa phương phía Bắc, MB đã triển khai một số biện pháp nhanh và kịp thời. Trước hết, MB đã sử dụng nguồn lực tài chính tham gia chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ). Thông qua Bộ Quốc Phòng, MBBank đã ủng hộ, đóng góp khoảng 20 tỷ đồng tham gia chương trình của MTTQ phát động.

Ngân hàng cũng khẩn trương khảo sát đánh giá ảnh hưởng của cơn bão tới các khách hàng bao gồm cá nhân và doanh nghiệp. MB dự kiến có khoảng 5.000 đến 7.000 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng trực trực tiếp bị ảnh hưởng. MB có kế hoạch giảm lãi suất cho nhóm khách hàng này dựa vào đánh giá thiệt hại và khả năng ngân hàng dự kiến giảm 0,5% đến 2% cho từng đối tượng.

Thứ hai, MB chuẩn bị 2 gói tín dụng mới với tổng trị giá 7.000 tỷ đồng và sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng từ nay đến cuối năm năm 2024.

Với quy định hiện nay, MB dự kiến vận dụng một số quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Nghị định liên quan đến tín dụng phát triên nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng. Ngân hàng sẽ hạ lãi suất đi đôi với nghiên cứu tìm cách giãn nợ, gia hạn nợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng khi doanh thu bị sụt giảm chưa bảo đảm khả năng trả nợ trước mắt.

Thứ ba, MB đã tập trung tư vấn hỗ trợ khách hàng sau bão lũ, làm sao phục hồi nhanh nhất, sớm nhấ

Thứ tư, MB cũng triển khai hỗ trợ từ các Tổng Công ty bảo hiểm quân đội (MIC), nơi có nhiều hợp đồng bảo hiểm để thẩm định, có căn cứ bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, chưa bao giờ ngành Ngân hàng chứng kiến khách hàng vay vốn bị tác động mạnh như vậy, bão số 3 đã gây ra con số thiệt hại rất lớn, chiếm tới 5% tổng dư nợ của các tỉnh, thành bị ảnh hưởng do bão.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết: Ngay từ khi bão Yagi đi qua, gây thiệt hại, TPBank đã yêu cầu các đơn vị rà soát các khách hàng, đưa ra các chương trình hỗ trợ như: triển khai chính sách giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Bên cạnh giảm lãi suất, ngân hàng sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/1/2025. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10 với hạn mức khoảng 2.000 tỷ đồng. TPBank cũng có các chương trình và triển khai các hoạt động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vừa qua.

Các ngân hàng tích cực vào cuộc triển khai chỉ đạo của Chính phủ- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hưng,Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Khẩn trương có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Ngày 21/9, lãnh đạo Chính phủ sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân lớn với nhiều nội dung. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB kỳ vọng: Qua buổi làm việc, các DN, NHTM sẽ phản ánh tới Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành về các khó khăn và bàn thảo các giải pháp triển khai khắc phục thiệt hại sau bão lũ, góp phần bảo đảm tăng trưởng.

Về chính sách, ngành ngân hàng chắc chắn sẽ phối hợp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có việc tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế . Cần phải nhìn nhận, bão, lũ, thiên tai là hiện tượng khá thường xuyên, do đó, nên chăng các chính sách có thể lồng nghép thêm các quy định đáp ứng tình huống hiệu quả.

Lãnh đạo MB cho rằng, NHNN và Chính phủ nên xem xét, cân nhắc vì tình hình DN, đặc biệt là DN và người dân bị ảnh hưởng do bão Yagi, cụ thể, nên cân nhắc và xem xét việc gia hạn Thông tư 02 một thời gian nữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank phân tích: Chỉ còn chưa đầy 4 tháng để đạt mục tiêu đề ra. Thực tế hiện tại ngành ngân hàng nói chung đến nay mới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng gần 8%, còn TPBank đến hết tháng 8 mới tăng trên 8%. Do đó, lãnh đạo TPBank bày tỏ đồng tình với các mục tiêu của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, để đạt mức 15%, hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt đôn đốc ngành ngân hàng, cũng như khuyến khích các TCTD khẩn trương hỗ trợ khó khăn vướng mắc để người dân, DN sớm có nguồn lực ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tổng Giám đốc TPBank cũng cho rằng, cần sớm sửa các quy định, tạo thuận lợi cho việc giãn nợ, gia hạn nợ. Lãnh đạo TPBank phân tích: Việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay trong thời điểm này là rất cần thiết. Tuy nhiên, với một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão thì mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ.

Các ngân hàng tích cực vào cuộc triển khai chỉ đạo của Chính phủ- Ảnh 3.

Ngày sau khi bão đi qua, lãnh đạo NHNN và các NHTM đã chủ động nắm bắt tình hình để triển khai các giải pháp hỗ trợ - Ảnh: VGP/HT

Do hệ thống đánh giá tín dụng tự động, nên nợ quá hạn sẽ tự động nhảy nhóm, ngay cả khi khách hàng chỉ cần chậm 1 ngày không trả nợ đúng hạn. Từ đó, DN sẽ bị có lịch sử nợ xấu, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng trong tương lai. Trong trường hợp này, nếu không có cơ chế, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hoãn, giãn nợ.

Tổng Giám đốc TPBank phân tích thêm: Nhìn lại thực tế vừa qua nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, NHNN đã có các Thông tư 01, 02 về giãn, hoãn nợ phát huy khá hiệu quả trong việc hỗ trợ tức thời DN, người dân.

Do đó, TPBank kỳ vọng, Chính phủ, NHNN sau các Hội nghị, họp bàn, sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giãn, hoãn nợ để giúp DN giành được nguồn lực lớn, tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định "guồng" sản xuất kinh doanh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, NHNN cũng đã tích cực kêu gọi các TCTD tích cực triển khai các gói/chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã đánh giá cao sự vào cuộc nhiệt tình của các TCTD. Các chương trình hỗ trợ của ngân hàng đưa ra rất tích cực, với tinh thần thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều đồng thời chủ động đưa ra nhiều chính sách cho vay mới, chủ động giảm lãi suất cho khoản vay cũ và cho vay mới; nhiều ngân hàng quy mô nhỏ cũng tham gia rất tích cực… Điều đó cho thấy các ngân hàng chấp hành tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của NHNN, thể hiện trách nhiệm của các ngân hàng đối với khách hàng, với cộng đồng và xã hội.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quan điểm chỉ đạo của ngành Ngân hàng là toàn ngành thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Các NHTM bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận của mình, nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tùy theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc cho biết ngành ngân hàng sẽ quyết tâm cùng với các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ để đạt được tăng trưởng. Phấn đấu đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15%, đảm bảo nguồn vốn để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP Chính phủ đã đặt ra.

Đồng thời, NHNN cũng sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại... Góp phần đảm bảo có hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ sớm ban hành chương trình hành động của toàn ngành để hỗ trợ người dân sau bão lũ.

Quán triệt hệ thống ngân hàng về tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến nay, Thủ tướng đã có 10 Công điện, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương để tìm giải pháp khắc phục hậu quả sau bão. Ngày 17/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Theo Thống đốc, NHNN được giao hai nhiệm vụ,đó là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các TCTD năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Huy Thắng