Nguồn kinh phí cho hoạt động này từ đầu năm = 0, trong năm đơn vị tổ chức sản xuất mới phát sinh doanh thu và chi phí, đến cuối năm lại phân phối theo Khoản 3, Điều 12 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, vì vậy đến đầu năm sau thì kinh phí sản xuất dịch vụ lại = 0 do đã trích hết vào các quỹ.
Nếu tổ chức đấu thầu thì dự toán phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thế nhưng đối với hoạt động sản xuất dịch vụ của đơn vị là được tự chủ theo Thông tư 145/2017/TT-BTC.
Mặt khác, hoạt động sản xuất dịch vụ của đơn vị sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản nên có tính mùa vụ rất lớn, nếu ngay từ đầu năm đơn vị tổ chức đấu thầu theo kế hoạch nhưng trong năm căn cứ vào mùa vụ có sự điều chỉnh kế hoạch thì các nguyên vật liệu mua từ ban đầu không còn phù hợp để tổ chức sản xuất trong năm thì đơn vị lại bị động trong khâu mua nguyên vật liệu đầu vào.
Hiện nay, đơn vị bà Uyên đang gặp trở ngại rất lớn trong việc mua nguyên, vật liệu đầu vào để tổ chức sản xuất. Vì nếu thực hiện đấu thầu thì tốn thời gian cho quá trình thực hiện, đơn vị không chủ động được trong sản xuất (ví dụ đầu năm đơn vị lập kế hoạch sản xuất 200 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, nhưng trong năm thời tiết bất lợi, thị trường không có nên đã giảm bớt năng suất, tuy nhiên đầu năm đã phải mua hết nguyên liệu qua công tác đấu thầu để sản xuất 200 triệu con giống rồi, nên đơn vị gặp rắc rối khi thực hiện hợp đồng). Còn nếu không thực hiện đấu thầu thì không biết có đúng với quy định của pháp luật không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Điểm d, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định phạm vi điều chỉnh:
“Luật này quy định quản lý Nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu, bao gồm:
1. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với:
… d) Mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập”.
Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định:
Điều 1 quy định về đối tượng áp dụng: Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn Nhà nước theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.
Tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm:
“a) Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước;
b) Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy;
c) Mua sắm phương tiện vận chuyển: Ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác (nếu có);
d) Mua sắm nguyên nhiên liệu, xăng dầu, hóa chất, dược liệu, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên;…”.
Các nguồn kinh phí mua sắm phải thực hiện đấu thầu
Khoản 2 Điều 2 quy định nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm:
“a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);
b) Nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia trong trường hợp thực hiện theo hình thức không hình thành dự án đầu tư;
c) Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn khác do Nhà nước quản lý (nếu có);
d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Vay nợ, viện trợ không hoàn lại được cân đối trong chi thường xuyên ngân sách Nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách Nhà nước (trừ trường hợp Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác);
đ) Nguồn thu từ phí, lệ phí được sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
e) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập;
g) Nguồn Quỹ BHYT;
h) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định (nếu có)”.
Như vậy, trường hợp đơn vị của bà Uyên thuộc đối tượng áp dụng tại Điều 1 Thông tư số 58/2016/TT-BTC sử dụng nguồn kinh phí tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC thì thực hiện đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
Bộ Tài chính trả lời để bà Uyên được biết và thực hiện theo quy định của pháp luật.