In bài viết

Các nhà khoa học ủng hộ có chính sách đặc thù thu hút nhân tài cho Thủ đô

(Chinhphu.vn) - Cử tri đề nghị làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với việc nhân tài về làm việc tại Thủ đô.

04/10/2023 14:54
Các nhà khoa học ủng hộ có chính sách đặc thù thu hút nhân tài cho Thủ đô - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Phương Liên

Ngày 4/10, tại ĐHQG Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV; lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Hầu hết các cửa tri tại cuộc tiếp xúc đều bày tỏ kỳ vọng lớn vào việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này nhằm tạo cho Thủ đô bước phát triển mới, mạnh mẽ, xứng tầm với trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, là trái tim của cả nước. 

Cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4); về tổ chức chính quyền tại Hà Nội (Điều 8); về cơ cấu tổ chức của HĐND TP. Hà Nội (Điều 9); phân quyền cho chính quyền TP. Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (Điều 9 và Điều 10); mô hình “thành phố trong thành phố”, cơ sở cho việc hình thành Thủ đô Hà Nội là một metropolis; quản trị đô thị ở một số quốc gia và vài gợi mở góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cho dù thành lập thành phố trong thành phố, thì thành phố đó vẫn là một chủ thể, cấp chính quyền hoàn chỉnh. Cấp chính quyền này phải có cả cơ quan lập pháp và hành pháp; riêng tư pháp do yêu cầu của việc thực thi thống nhất trên toàn lãnh thổ thì không nên được tổ chức trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố trong thành phố.

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội) đề nghị Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND ở cả cấp phường và quận), quy định trong Luật Thủ đô với tính chất là một văn bản có giá trị lâu dài, ổn định.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền ở những cấp quản lý hành chính chung, không áp dụng với các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, quận, thị xã.

Các nhà khoa học ủng hộ có chính sách đặc thù thu hút nhân tài cho Thủ đô - Ảnh 3.

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đề nghị Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị - Ảnh: VGP/Phương Liên

Về việc phân quyền trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, GS.TS. Phạm Hồng Thái (Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội) đặt vấn đề về sự cần thiết  lập thêm các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Thành phố và giao cho HĐND TP. Hà Nội quyết định, phải tính đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.

Cơ chế đặc thù thu hút nhân tài cho Thủ đô

Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị  làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với việc nhân tài về làm việc tại Thủ đô. 

Đồng thời xây dựng quy trình tuyển dụng cần có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng.

Cùng có chung quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Đức (Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, tham khảo Nghị quyết số 97/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã trao cho HĐND TPHCM quyền tự quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Hà Nội.

“Đối với Thủ đô, cơ quan HĐND cũng nên được khẳng định thẩm quyền tự chủ tương ứng hoặc rõ nét hơn nhằm chủ động quyết định về thu nhập dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt, chứ không chỉ riêng về thù lao khi thu hút nhân tài”, TS. Nguyễn Anh Đức chia sẻ quan điểm.

Ngoài ra, tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đóng góp ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chủ tịch UBND phường (Điều 15); về chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Hà Nội (Điều 16); về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17); về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18); ý kiến về giáo dục, chính sách phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô; về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô (Điều 25).

Phương Liên