Trong tình hình dịch chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chính phủ nhiều nước quyết định kéo dài lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội để đối phó dịch.
Chính phủ Pháp dự kiến gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi số người chết vì COVID-19 ở nước này tăng vọt lên hơn 10.000. Bỉ và Philippines kéo dài lệnh phong tỏa lần lượt đến 19/4 và 30/4. Hungary hôm qua, 9/4, cũng thông báo sẽ tiếp tục phong tỏa toàn quốc cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ họp thảo luận việc kéo dài lệnh phong tỏa, còn Anh cũng đang cân nhắc. Tờ South China Morning Post hồi tuần trước dẫn nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có thể giúp giảm tác động của đại dịch đối với sinh mạng con người. Cụ thể, theo nghiên cứu, nếu áp dụng sớm và duy trì các biện pháp này trên phạm vi lớn một cách phù hợp có thể cứu đến 38,7 triệu người khỏi nguy cơ tử vong.
Trong khi đó, Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa tại một số khu vực để khôi phục nền kinh tế và một số quốc gia khác ở châu Âu như Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Na Uy đang cân nhắc điều tương tự, theo Reuters. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp, còn giới chuyên gia y tế cảnh báo nên thận trọng với động thái này nhằm ngăn chặn có thêm đợt bùng phát mới.
Các nước trông chờ vaccine hoàn thiện
Nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy một số quốc gia có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa khi hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh quá trình tìm ra vaccine.
Những chính sách phong tỏa, hạn chế đi lại giữa các tỉnh thành và đóng cửa biên giới của Trung Quốc thời gian qua đã thể hiện sự hiệu quả. "Làn sóng" COVID-19 đầu tiên tại quốc gia này đã dần được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn còn đó nếu người dân lơ là, vội vàng từ bỏ những thói quen giúp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội...
Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, các quốc gia muốn chấm dứt lệnh phong tỏa, cho phép mọi người sinh hoạt và làm việc bình thường trở lại buộc phải theo dõi chặt chẽ các trường hợp lây nhiễm mới; đồng thời điều chỉnh các biện pháp kiểm soát người tự cách ly tại nhà cho đến khi vaccine COVID-19 hoàn thiện. Các nhà nghiên cứu tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ cuộc sống hằng ngày của người dân.
"Các biện pháp kiểm soát, phong tỏa, theo dõi và giãn cách xã hội gần như làm giảm số ca nhiễm bệnh xuống mức rất thấp trong những ngày qua. Song, nếu cơ thể con người vẫn chưa miễn dịch với SARS-CoV-2, các trường hợp lây nhiễm chéo và tái nhiễm có thể xuất hiện trở lại, đặc biệt khi các doanh nghiệp, nhà máy, trường học hoạt động lại sau thời gian đóng băng. Việc gia tăng giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, thêm vào đó là các ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài. Hiện COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và tiếp tục lan rộng", Giáo sư Joseph T Wu từ Đại học Hong Kong, nhà đồng lãnh đạo nghiên cứu cho biết.
Theo dự kiến, vaccine SARS-CoV-2 có thể hoàn thiện trong vòng 12-18 tháng. Hiện có 70 quốc gia tham gia điều chế, phát triển vaccine phòng COVID-19. Một số loại vaccine SARS-COV-2 đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng lần một trên người và có kết quả khả quan, chuẩn bị tiến đến bước kế tiếp của quy trình thử nghiệm vaccine.
An Bình