In bài viết

Các ‘ông lớn’ sẽ thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng?

(Chinhphu.vn) - Do kinh tế tăng thấp, đặc biệt là lạm phát tăng chậm và vẫn thấp xa mục tiêu đề ra, phần lớn các nước phát triển chưa thể rút lui chính sách tiền tệ nới lỏng, vốn được áp dụng trong những năm qua.

04/09/2017 15:03
Từ năm 2008, nhiều nước bắt đầu tung ra những gói tài chính khổng lồ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Trong đó, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã áp dụng mức lãi suất thấp kỷ lục và tăng cường mua tài sản, qua đó giảm giá bản tệ để hỗ trợ xuất khẩu và khuyến khích các hoạt động kinh tế.

Tính đến nay, đã 10 năm trôi qua, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm, cả GDP, hoạt động thương mại và đầu tư đều tăng thấp. Vốn là những nền kinh tế lớn và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đà phục hồi chậm chạp tại các nước phát triển đang ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế toàn cầu, nhu cầu tăng chậm, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của phần còn lại trên thế giới.

Theo báo cáo tạm thời về triển vọng kinh tế toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố vào ngày 7/3/2017, GDP toàn cầu năm 2018 dự báo tăng 3,5-3,6%, một mức tăng khiêm tốn từ kết quả tăng 3,0% vào năm 2016 và 3,3% trong năm nay, thấp hơn kết quả tăng trưởng trung bình 4%/năm trong hai thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tăng trưởng thương mại quốc tế sau năm 2012 chỉ tương đương với tăng trưởng GDP, trái với kết quả tăng gấp 2 lần GDP trong hai thập kỷ trước khủng hoảng.

Theo đánh giá của IMF, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các yếu tố năng suất tổng thể (TFP - thước đo hiệu quả sử dụng vốn và lao động) bắt đầu tăng chậm dần với tốc độ tăng trưởng thấp xa thời kỳ trước khủng hoảng, làm tăng thêm những khó khăn về cơ cấu, vốn đã tồn tại trước khủng hoảng và TFP tiếp tục ỳ ạch cho đến nay. Trong đó, đầu tư yếu ớt tại các nước phát triển là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng suy giảm này. Theo tính toán của Thời báo Tài chính, dòng vốn đầu tư quốc tế đã đạt 4.300 tỷ USD vào năm 2016, nhưng chỉ bằng 30% so với đỉnh điểm 12.400 tỷ USD đạt được vào năm 2007.

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo “Đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển do NHTW châu Âu (ECB) công bố vào ngày 23/8/2017, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, mặc dù năng suất tăng chậm tại các nước phát triển bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI này, nhưng không thể giải thích được xu hướng phục hồi yếu ớt và chậm chạp hiện nay.

Cụ thể là, năng suất thấp còn bắt nguồn vào tình hình thực tế tại mỗi nước, bao gồm mô hình tăng trưởng, tình trạng thất nghiệp, khả năng cung ứng lao động và vấn đề nhân chủng học. Trong đó, nhiều yếu tố không mang tính chu kỳ, nên chính sách tiền tệ mở rộng không thể phát huy tác dụng. Vì thế, chính sách tiền tệ cần quan tâm đến nhóm yếu tố nằm trong cơ cấu cung ứng, như sự tham gia của người lao động hay năng suất. 

Do kinh tế tăng thấp, đặc biệt là lạm phát tăng chậm và vẫn thấp xa mục tiêu đề ra, phần lớn các nước phát triển chưa thể rút lui chính sách tiền tệ nới lỏng, vốn được áp dụng trong những năm qua.

Tại Mỹ, mặc dù kinh tế phục hồi khá bền vững và GDP quý II/2017 tăng cao nhất kể từ sau khủng hoảng, nhưng USD vẫn mất giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Sau các đợt tăng lãi suất trong năm nay, giá USD không tăng vững mà giảm theo xu hướng dài hạn, trái với mục tiêu của Fed. Xu hướng giảm giá của USD cho thấy, Tổng thống Donald Trump chưa thể thực hiện được những cam kết mở rộng tài khóa, ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của các doanh nghiệp và USD mất giá.

Trong khi chính sách tài khóa mở rộng và các kế hoạch thúc đẩy đầu tư hạ tầng vẫn chỉ là chủ trương của chính quyền mới tại Mỹ, một vấn đề đang nổi lên trên chính trường Mỹ sau cảnh báo do Công ty Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đưa ra vào ngày 30/8 vừa qua, kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những hậu quả khôn lường nếu Nhà Trắng và các nghị sĩ không đạt được thỏa thuận giữ cho Chính phủ mở cửa và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính Phố Wall, tại cuộc họp vào ngày 5/9 tới đây, Quốc hội Mỹ sẽ thống nhất được một kế hoạch ngân sách và sự đồng thuận nâng trần nợ công vốn đã chạm mức trần 19.900 USD từ tháng 3 năm nay. Từ đó đến nay, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã phải áp dụng một số biện pháp đặc biệt trong ngắn hạn để Chính phủ không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi đợi quyết định nâng trần nợ của Quốc hội.

Chưa hết, các quan chức NHTW Mỹ (Fed) còn lo lắng về hậu quả của cơn bão Harvey. Theo nhận định của các chuyên gia, cơn bão Harvay nằm trong top 10 cơn bão lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng chỉ gây thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, thấp hơn mức thiệt hại 150 tỷ USD do cơn bão Katrina gây ra vào tháng 8/2005. Với mức tổn thất này, cơn bão Harvey được cho là chỉ gây tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Mỹ và việc khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra từ cơn bão Katrina cho thấy, việc đưa người lao động trở lại làm việc, mua sắm nhà cửa và tìm phương kế sinh nhai là thách thức rất lớn. Vì thế, Chủ tịch Janet Yellen và nhiều quan chức khác của Fed có nhiều khả năng sẽ cân nhắc lùi tiến độ thắt chặt tiền tệ.

Do USD mất giá, nhà đầu tư sẽ có xu hướng ưu tiên đồng tiền khác mạnh hơn, nhất là euro, yên Nhật, đây là hai loại ngoại tệ có xu hướng tăng dần trong năm nay. Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014, đồng euro đã tăng vượt mốc 1,2 so với USD. Một khi euro tiếp tục tăng giá trong dài hạn, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khối đồng tiền chung này sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Thực tế này có thể buộc ECB phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thêm một thời gian, mặc dù lạm phát tại các nước khu vực euro có dấu hiệu tăng vững và đạt 1,5% trong tháng 8/2017, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Theo đó, chương trình mua trái phiếu trị giá 60 tỷ euro/tháng sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nhưng có thể EBC phải gia hạn chương trình này thêm 2-2,5 năm nữa cho đến khi lạm phát tiến sát ngưỡng mục tiêu 2% trong giai đoạn trung hạn.

Tại Nhật Bản, GDP quý II/2017 tăng 4,0%, ghi nhận sáu quý tăng liên tục và là mức tăng cao nhất trong 11 năm qua, chủ yếu nhờ tiêu dùng tăng cao. So với cùng kỳ năm trước, chi tiêu dùng trong quý II/2017 tại Nhật Bản tăng 3,7%. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn tăng chậm, trong khi xu hướng già hóa dân số vẫn cản trở triển vọng kinh tế. Vì thế, NHTW Nhật Bản (BoJ) chưa có ý định thu hẹp các kế hoạch kích thích tiền tệ, mà mong muốn đồng yên yếu hơn, chứ không tăng cao như hiện nay.

Sau sự kiện Brexit, kinh tế trong sáu tháng cuối năm tại Vương quốc Anh đạt mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng, nhưng bắt đầu sụt giảm mạnh trong năm nay. Trong quý II/2017, GDP tại Vương quốc Anh chỉ tăng 0,3%, nhưng chưa có triển vọng phục hồi trong những tháng sắp tới. Cùng với đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, đồng bảng Anh mất giá mạnh, thậm chí xuất hiện xu hướng giảm xuống ngang bằng so với euro. Trong phiên giao dịch ngày 29/8/2017, một bảng Anh đổi được 1,0763 euro. Kinh tế tăng thấp ảnh hưởng xấu đến thu nhập và sức mua của nền kinh tế, buộc NHTW (BoE) phải cân nhắc các biện pháp nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh yếu tố năng suất tổng thể, căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên, Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới, hoạt động khủng bố liên tiếp diễn ra tại châu Âu và một số nước châu Á trong thời gian qua phần nào cũng cản trở các doanh nghiệp trong việc triển khai các quyết định đầu tư, buộc các chính phủ phải nới lỏng tiền tệ để giảm chi phí, qua đó khuyến hích doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xuân Thanh