In bài viết

Các tân Phó Chủ tịch xã sau hơn 6 tháng nhận nhiệm vụ

(Chinhphu.vn) – Qua hơn nửa năm làm Phó Chủ tịch UBND xã, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, 20 tân Phó Chủ tịch UBND xã tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, 2 huyện nghèo của tỉnh Yên Bái, đã từng bước khẳng định được vai trò và có đóng góp tích cực đối với địa phương.

26/10/2012 17:31

Giúp người dân phòng chống bệnh cho gia súc

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bắc Ninh, Đàm Đức Đông được cử làm Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải khi mới 23 tuổi.

Đàm Đức Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải - Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Đông, với một vùng cao không nhiều  đất sản xuất, nhưng diện tích đồi núi cho chăn thả  rất lớn thì chăn nuôi chính là cơ hội để bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, để chăn nuôi có  hiệu quả thì phải làm tốt công tác phòng bệnh cho trâu bò, điều mà bà con người Mông vùng cao lâu nay vốn không quan tâm.

Do đó, trong thời gian 5 tuần đi thực tế trước khi trở thành Phó Chủ tịch UBND xã, Đông đã xây dựng đề án phòng chống rét và bệnh tật cho gia súc. Chàng trai trẻ hiện đang nỗ lực triển khai Đề án này.

Nhờ sự hướng dẫn của Đông cùng cán bộ nông nghiệp, gia súc của bà con trong xã đã không còn con nào bị mắc bệnh, do được vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng. Sau một mùa thu hoạch, Đông cũng vận động bà con để dành rơm rạ làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông tới.

Ngoài ra, với nhiệm vụ phụ trách công tác văn xã, Đông nỗ lực tuyên truyền để góp phần thay đổi những tập quán lạc hậu của bà con, vận động các phụ huynh quan tâm đưa trẻ em đến trường chuyên cần hơn và giúp bà con có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng hơn.

Không giấu diếm, Đông chia sẻ: “Từ trước đến nay chủ yếu mọi người tuyên truyền miệng thôi, nay mình muốn tuyên truyền cho bà con bằng hình ảnh, bằng các video clip, ví dụ tuyên truyền về phòng chống cháy rừng thì hiển thị hẳn cho bà con xem hình ảnh rừng xanh ra sao, khi nó cháy thì như thế nào, mưa lũ xuống thì nó thế nào…, như vậy bà con dễ tiếp thu hơn”.

Tăng vụ, đưa giống mới vào gieo trồng

So với Đàm Đức Đông thì Mùa A Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu lại thuận lợi hơn, bởi A Ninh là người địa phương nên không mất nhiều thời gian tìm hiểu địa bàn và đời sống bà con bản địa.

Hàng ngày, A Ninh về lao động cùng bà con, tham mưu cho chính quyền hướng dẫn bà con sản xuất, thâm canh tăng vụ, đưa các giống mới vào gieo trồng. Ninh cũng dành thời gian nghiên cứu tài liệu để truyền đạt tới các bà con kinh nghiệm phòng chữa bệnh.

A Ninh cũng đã phối hợp với các trường dạy học đẩy mạnh việc vận động học sinh đến lớp vì theo A Ninh, việc học tập sẽ giúp người Mông quê anh thoát nghèo.

Thể hiện được vai trò trên cương vị mới

Mùa A Ninh (áo xanh), Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu - Ảnh: Chinhphu.vn

Cũng như Đàm Đức Đông và Mùa A Ninh, 18 Phó Chủ tịch trẻ khác cũng đang lăn lộn với cuộc sống vùng cao. Đôi chân vốn chưa quen trèo đèo lội suối, đi mãi rồi cũng trở nên dẻo dai. Bà con nói tiếng địa phương ban đầu không hiểu nhưng qua một thời gian học hỏi rồi cũng nghe được. Cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt khó khăn thiếu thốn hơn những gì đã tưởng tượng rồi cũng sớm vượt qua.

Đúng như nhận định của ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, hầu hết các trí thức trẻ đã quen với miền đất mới và đã coi đó như quê hương thứ hai của mình.

Theo đánh giá của ông Khang, bước đầu cho thấy các tân Phó Chủ tịch đều có năng lực và rất nhiệt tình, dần làm quen với công việc. Họ đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã trong việc tham mưu, đề xuất với đảng ủy, chính quyền sở tại cũng như chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đối với cơ sở.

“Điều mà lãnh đạo chúng tôi băn khoăn nhất khi các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã nghèo là kinh nghiệm hầu như chưa có. Thế nhưng thực tế cho thấy, chính sự năng động, nhiệt tình, dám làm và chịu trách nhiệm, nỗ lực học hỏi của các trí thức trẻ đã giúp các tân Phó Chủ tịch làm việc quên mình, không ngại khó, không ngại khổ, đóng góp xây dựng địa phương cùng bà con”, ông Khang nói.

Đinh Tuấn – Thu Hằng