* Tại Đồng Tháp, hiện mực nước lũ chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 là 0,29 mét. UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Trước mắt tỉnh chi 6 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí thực hiện di dời dân, gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông chưa thu hoạch tại các huyện, thị đầu nguồn. Thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng được hỗ trợ 2 tỷ đồng/địa phương, huyện Hồng Ngự và huyện Thanh Bình được hỗ trợ 1 tỷ đồng/địa phương. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho học sinh các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh nghỉ học từ ngày 29/9 đến hết ngày 8/10. Riêng các phường thuộc thành phố Cao Lãnh, nếu đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh thì vẫn duy trì việc học. Đối với điểm giữ trẻ nông thôn, trường mẫu giáo, nhà trẻ, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động. Nếu cơ sở, điểm trường đảm bảo an toàn cho trẻ, yêu cầu các bậc cha mẹ học sinh tổ chức đưa đón học sinh an toàn.
UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trương cho phép UBND huyện, thị xã, thành phố áp dụng hình thức trưng mua, trưng dụng tài sản tại chỗ của nhân dân như: cừ tràm, bạch đàn, đất đai, hoa màu; phương tiện vận tải (ghe, thuyền); vật tư, nhiên liệu chống lũ, lụt v.v. để ứng phó khẩn cấp chống lũ, lụt đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chủ trương cho phép UBND huyện, thị xã, thành phố áp dụng hình thức trưng mua, trưng dụng tài sản tại chỗ của nhân dân như: cừ tràm, bạch đàn, đất đai, hoa màu; phương tiện vận tải (ghe, thuyền); vật tư, nhiên liệu chống lũ, lụt... để ứng phó khẩn cấp chống lũ, lụt đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống lụt bão. Bên cạnh lực lượng công an, bộ đội chi viện, các địa phương tăng cường huy động lực lượng dân quân, người dân tại chỗ tham gia phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa Thu Đông chưa thu hoạch, diện tích vườn cây ăn trái trong tỉnh. Tổ chức chằng néo các bè nuôi cá, gia cố các bờ bao bảo vệ các khu nuôi thủy sản tập trung. Đặc biệt là phải tập trung phương tiện, lực lượng bảo vệ an toàn đê bao thị trấn Sa Rài huyện Tân Hồng. Các sở, ngành khẩn trương phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện ngay các biện pháp gia cố, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng. Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, gia cố khôi phục giao thông trên các Quốc lộ, Tỉnh lộ; hướng dẫn luồng tuyến giao thông và giảm tải đối với các đường xung yếu. Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, chống tình trạng đầu cơ thu gom hàng hóa, tạo khan hiếm giả tạo, nâng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn tổ chức ngay việc điều tra nắm cụ thể số lượng phương tiện máy đào (kobe), ghe tàu có tải trọng lớn (từ 20 tấn trở lên) hiện có ở địa phương (tên chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại) để khi cần thiết, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trưng dụng, điều động các phương tiện này phục vụ công tác phòng chống lũ lụt, bão khi cần thiết và sẵn sàng đối phó với lũ và có khả năng mực nước cao hơn đỉnh lũ năm 2000.
* Tại Tiền Giang, để chủ động phòng chống lũ lụt sông Cửu Long tràn về gây hại, nhân dân huyện Tân Phước đã góp gần nửa tỉ đồng lắp đặt 1 trạm bơm điện mới và dành chi phí bơm tát chống úng bảo vệ hàng ngàn ha tại vùng dứa chuyên canh Thạnh Mỹ (Tân Phước) trên Đồng Tháp Mười. Bình quân mỗi ha, các hộ nông dân góp từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Chung sức lắp đặt trạm bơm điện, gia cố đê bao và bơm tát tiêu úng chủ động được xem là cách làm hay trong phòng chống lũ lụt tại các vùng trồng dứa chuyên canh Thạnh Mỹ, Tân Phước chuyên cung ứng nguồn nông sản chế biến xuất khẩu.
Thông qua phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” lâu nay cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nỗ lực phòng chống thiên tai cũng như thể hiện chủ trương “chung sống với lũ” hữu hiệu. Theo đó, Nhà nước đầu tư kiện toàn mạng lưới kênh mương tiêu thoát lũ và đê bao ngăn lũ xâm nhập vào nội đồng; còn nhân dân hàng năm tổ chức gia cố đê bao trước mùa mưa lũ, đồng thời đóng góp kinh phí tính theo đầu ha để chi phí bơm tát chống úng. Nhận thấy lợi ích thiết thực bảo vệ sản xuất và đời sống tại những địa bàn khó khăn nhất tỉnh Tiền Giang, nhân dân hưởng lợi đã đồng thuận cao và tự giác đóng góp, đồng thời còn tổ chức thêm các đội hộ đê trực sẵn sàng ứng cứu đối phó với sự cố 24/24 giờ trong ngày trong mùa cao điểm lũ lụt hàng năm. Theo ông Dương Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước: tại vùng chuyên canh dứa Thạnh Mỹ hình thành 3 ô đê bao với 4 trạm bơm điện gồm các ô Đông Lộ Mới, Tây Lộ Mới, ô bao Mỹ Thuận. Nhờ có phương án cụ thể, sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp và nhân dân, trong các năm qua 100% diện tích dứa trong các ô đê bao tại đây được bảo vệ an toàn trước lũ. Còn hiện nay, mặc dù mực nước lũ bên ngoài kênh đã cao hơn trong nội đồng khoảng 2 tấc (0,2 m) và dự báo những ngày tới nước tiếp tục lên, nhưng các tuyến đê bao vẫn vững chãi và hệ thống trạm bơm điện sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc.
* Tại Hậu Giang, trong 2 ngày 27 và 28/9, các trận mưa lớn liên tục kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về đã làm sạt lở hàng chục con đập và tuyến đê bao chống lũ ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, làm ngập hàng trăm ha vườn cây ăn trái, hoa màu và hàng ngàn ha lúa vụ 3 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết: qua kiểm tra sơ bộ tại 2 huyện đầu nguồn vào chiều 28/9 cho thấy có 12 con đập bị vỡ tung làm nước tràn vào gây ngập sâu tại các vườn cây ăn trái của nông dân huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Trên các tuyến đê bao thấp của 2 địa phương này, nước lũ cũng tràn qua, cuốn trôi nhiều đoạn giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 400 mét, làm ngập hàng trăm căn nhà của dân. Ngoài ra, mưa lớn vào sáng 28/9 còn làm ngập úng, gây thiệt hại hàng ngàn ha lúa vụ 3 đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và chuẩn bị cho thu hoạch ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Tổng mức thiệt hại đến nay chưa thống kê hết được.
Trước tình hình mưa lũ và triều cường đang diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo chính quyền địa phương và bà con nhân dân nhanh chóng thuê mướn các phương tiện như xáng cạp hoặc xe cuốc để khắc phục ngay các con đập và tuyến đê bị vỡ; tranh thủ các phương tiện, vật tư và nhân công tại chỗ để gia cố những nơi có nguy cơ sạt lở sắp tới. Ông Trần Quanh Hành, Phó Trưởng Ban PCLB huyện Châu Thành cho biết: Hiện nay huyện đã bố trí các xáng cạp đang hoạt động trên địa bàn nhanh chóng khắc phục các điểm bị sạt lở. Huyện đã chuẩn bị sẵn kinh phí 50 triệu đồng để thuê mướn các phương tiện phòng chống sạt lở. Hiện công tác khắc phục sạt lở, phòng chống mưa lũ đang được các địa phương khẩn trương thực hiện.
Hiện nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức rất cao và còn tiếp tục lên trong một vài ngày tới. Trước tình hình này, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với lũ lụt.
* Ngày 29/9, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây (so lũ cao nhất năm 2000) thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có 100% tuyến đường nội ô bị ngập lũ từng đoạn, ngay trung tâm thành phố, sâu từ 0,3 mét - 0,5 mét. Vùng ngoại ô thành phố Long Xuyên còn bị sạt lở 6.265 m2 đất bờ sông thuộc 3 ấp Mỹ Khánh 1, Mỹ Khánh 2 và Mỹ Thạnh (cù lao xã Mỹ Hòa Hưng) không có thiệt hại về người và tài sản nhưng đe dọa 217 hộ dân phải di dời. Thành phố Long Xuyên đã khẩn trương cấp hỗ trợ mỗi hộ 6 triệu đồng và huy động lực lượng Công An, Quân sự, Hội viên Chữ Thập Đỏ, Đoàn Thanh niên, dân phòng giúp dân di dời, hiện nay được 180 hộ, số còn lại đang tiếp tục di dời vào nơi ở tạm, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, hiện nay mực nước tại thành phố Long Xuyên là 2,72 mét vượt mức báo động III sớm hơn 15 ngày so với qui luật hàng năm và từ đây đến 2/10 mực nước còn tiếp tục lên bình quân từ 0,3 - 0,5 mét/ngày. Lãnh đạo thành phố Long Xuyên đã khuyến cáo nhân dân tranh thủ sử dụng bao cát đấp dọc theo vỉa hè để hạn chế nước tràn vào nhà...
* Trước tình hình nước lũ từ đầu nguồn đổ về mạnh cùng với triều cường dâng cao và nguy cơ mưa bão có thể ảnh hưởng đến vùng ven biển và vùng hạ lưu sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng, ngày 29/9, đoàn lãnh đạo tỉnh do ông Lê Thành Trí, phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo Sở ngành tỉnh đã có chuyến khảo sát và làm việc với lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung để nắm và chỉ đạo tình hình PCLB trên địa bàn huyện cù lao giữa dòng sông Hậu, nơi đầu sóng ngọn gió đối mặt với biển Đông.
Theo ông Trần Bé Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung: Từ đầu mùa mưa bão, huyện đã đôn đốc UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch PCLB cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, theo dõi diễn biến thiên tai để phối hợp với các ban ngành và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân nắm để tham gia phòng tránh. Trước tình hình triều cường, mưa bão, lũ thượng nguồn đổ về có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến đê bao, nhà cửa, cây trái của nhân dân, huyện đã tập trung trên 6,4 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, thực hiện bồi trúc, gia cố 12 công trình đê bao, hiện đã đạt 90% khối lượng; 16 công trình do huyện đầu tư với kinh phí 790 triệu để gia cố bờ bao xung yếu tại các xã, thị trấn. Huyện cũng chỉ đạo vận động nhân dân thực hiện công tác thủy lợi kết hợp gia cố bờ bao trên 49 công trình, tổng vốn trên 8 tỷ 946 triệu, hiện tiến độ thực hiện đạt vượt kế hoạch tỉnh giao. Tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn và tiến hành di dời 103 hộ trong vùng có nguy cơ cao tại xã An Thạnh Ba (giáp với biển) vào khu vực an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cù Lao Dung đã có kế hoạch ứng cứu khi tình huống nguy cấp xảy ra. Đã huy động 4 hộ có 6 phương tiện máy Kobe và 2 xáng cạp túc trực khắc phục những đoạn đê bị sạt lở do triều cường dâng cao. Trong phương án có giả định tình huống bão cấp 8 cấp 9, giật trên cấp 10-11 thì huyện sẽ tổ chức di dời dân đang sống ven biển, ven sông, ở những nơi không an toàn cần phải di dời là 2.151 hộ với tổng số 6.701 người tại 36 điểm trường học, trụ sở kiên cố. Lực lượng có nhiệm vụ trực tiếp tham gia di dời dân được bố trí tại 8 xã, thị trấn với khoảng 245 người.
Qua khảo sát thực tế tại huyện, ông Lê Thành Trí rất quan tâm đến các phương án, biện pháp cụ thể ở từng địa phương trên địa bàn huyện Cù lao Dung, với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông rạch chằng chịt, toàn huyện Cù lao Dung có 360 kênh rạch lớn nhỏ, nhiều kênh rạch đã bị bồi lắng chưa được đầu tư nạo vét, gia cố, một số đoạn bờ bao của nhân dân đã xuống cấp không đảm bảo khi nước biển dâng cao nên phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương cần tập trung nhanh nhất trong những ngày tới phải khắc phục ngay để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Bên cạnh nguồn ngân sách hỗ trợ nâng cấp hệ thống đê bao, cống thoát thì ý thức người dân rất quan trọng, địa phương cần tập trung tuyên truyền nhân dân để cùng chung sức hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Theo ông Lê Minh Tho, Bí thư Huyện ủy Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Do mưa, lũ, triều cường trong các ngày 27/9 đến nay đã làm vỡ hai đoạn của hai tuyến đê ở xã Tân Bình huyện Bình Tân, làm ngập hơn 2 ngàn héc ta hoa màu, gần 1000 căn nhà, 8 điểm trường, gần 36.500m đường vành đai, trên 22.000m bờ vùng... Ngập nặng nhất là các bờ bao dọc sông Hậu thuộc xã Tân Quới, bờ bao Cả Đôi Bé, ngọn Bà Nẽo, ngọn kênh Xẻo Lá xã Tân An Thạnh. Dự báo trong 2 ngày tới mực nước thủy triều có thể lên cao thêm từ 10-20 cm sẽ tiếp tục gây ngập tràn thêm từ 1000-1500 nền nhà, 15 điểm trường, 20.000 m đường đal nông thôn. Đáng lo ngại là một số nơi có dòng chảy mạnh và nước xoáy, nhất là khu vực các xã ven sông Hậu thì nguy cơ sạt lở mạnh và sâu vào đất liền là rất cao.
Ngay sau khi nước ngập tràn và vỡ bờ bao, lãnh đạo huyện Bình Tân đã xác định phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó. Trong đó, cùng với lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ địa phương, Ban Chỉ huy phong chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB& TKCN) huyện Bình Tân đã điều 130 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân sự, công an hỗ trợ dân gia cố hệ thống thủy lợi và thu hoạch màu ở xã Tân Bình và Tân An Thạnh; huy động trên 40 máy bơm tát công suất nhỏ, và huyện đã điều 4 máy bơm công suất lớn hỗ trợ cho các xã ngập nặng Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Quới...Đến ngày 29/9 đã gia cố xong 10 đập bị vỡ, bị tràn và 8 đoạn bờ vùng sạt lở với chiều dài trên 500m. Riêng lực lượng quân đội đã giúp dân cơ bản thu hoạch chạy lũ hoa màu cho dân và gia cố hai tuyến đê bao bị vỡ của xã Tân Bình, dự kiến khoảng 16, 17 giờ chiều 29/9 sẽ hoàn thành.
Hiện nay lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đã huy động toàn lực lượng ứng trực 24/24, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ dân khi có lệnh điều động của Ban chỉ huy PCLB& TKCN huyện.
* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 29/9, tại Thị xã Hồng Ngự, nước lũ dâng cao bằng đỉnh lũ năm 2000. Tại TX Hồng Ngự mực nước đo được 484 cm. Trong ngày mực nước trong khu vực lên cao từ 1-15 cm, kế đến thành phố Cao Lãnh chỉ còn 14 cm nữa bằng đỉnh lũ năm 2000. So với năm 2010 thì mực nước năm nay các huyện thị đều cao hơn, đối với huyện Tân Hồng mực nước cao hơn so cùng kỳ năm 2010 là 302 cm, kế đến là thị xã Hồng Ngự cao hơn năm rồi 229 cm. Có 3 nơi vượt báo động 3 là Tân Châu, Trường Xuân (huyện Tháp Mười) và thành phố Cao Lãnh. Do kết hợp giữa triều cường và lũ thượng nguồn đổ về nhiều, mực nước lũ các nơi trong tỉnh tiếp tục lên nhanh từ 5-15 cm/ngày.
Ảnh hưởng thiệt hại do lũ, đến ngày 29/9 tại huyện Châu Thành có 300,3 ha nhãn bị ngập. Tuyến tỉnh lộ ĐT 842 đoạn từ km 10-km14 bị tràn qua 6 nơi; tuyến tỉnh lộ ĐT 843 đoạn km 32 300 đến km 32 800 bị sạt lở kè; tuyến ĐT 848 bị ngập và cắt giao thông. Theo báo cáo nhanh của các địa phương nhiều đoạn lộ giao thông nông thôn bị nước lũ tràn qua, sạt lở mái; tại huyện Châu Thành ngập 68 km lộ giao thông. Tại huyện Tân Hồng, mái thượng lưu tuyến 2 của đê bao chống lũ bảo vệ thị trấn Sa Rài huyện Tân Hồng bị sạt lở 1 km.
Trong ngày 28-29/9 tại đoạn đường Tân Nghĩa – Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh bị lũ cuốn trôi chiều dài 15 mét đường, làm ngăn chặn vào khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Lũ làm mắt trắng 660 ha lúa Thu đông do bị vỡ đê bao ở Tân Hồng, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự, mất đi hàng chục tỷ đồng, hơn 24 ngàn ha lúa chưa thu hoạch đang bị đe dọa.
PV tại các địa phương