Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 14-20/10, khu vực miền Trung có nguy cơ xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi. Để chủ động ứng phó, hiện các tỉnh, thành phố miền Trung đã yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, có thể kéo dài.
Tại Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Chủ động kiểm tra khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lớn có khả năng kéo dài, lũ quét và sạt lở đất, sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi phòng không xã Đức Hóa, sạt lở thôn 5, 8, thị trấn Quy Đạt…).
Yêu cầu các địa phương dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại một số ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bến đò; khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi…; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, địa phương, sở ngành có liên quan khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công, đặc biệt là công trình đê kè, hồ chứa nước, công trình ven sông, suối, vùng ven biển chủ động triển khai biện pháp an toàn cho công trình, người lao động.
Ngoài ra, chỉ đạo chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra; chủ động khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng vừa có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền ở khu vực bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông. Chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại về người.
Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, lồng bè trên sông và các ao, hồ nuôi thủy sản ven biển; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại và bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.
Chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển cảnh báo sạt lở, ngập sâu.
Các sở NN&PTNT, công thương tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các chủ đập thủy lợi, thủy điện, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Sở GTVT phối hợp triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ. Các lực lượng bộ đội, công an bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện, vật tư, thiết bị thi công, không để xảy ra thiệt hại về người.
Tại Thừa Thiên Huế, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, đơn vị thông báo cho chủ các phương tiện, các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh; triển khai phương án chống úng, bảo vệ diện tích hoa màu, thuỷ sản chưa thu hoạch xong.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi.. kiểm tra công tác an toàn đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành; sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết; đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Lưu Hương