In bài viết

Các tỉnh miền Trung tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình nắng nóng gay gắt trên diện rộng, các địa phương miền Trung đang thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng” trong phòng chống cháy rừng.

03/06/2021 16:22
Nắng nóng gay gắt trên diện rộng, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao tại miền Trung. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại Đà Nẵng, trước cảnh báo cháy rừng đang ở cấp cao nhất, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) Công an TP. Đà Nẵng đã thành lập tổ chốt ở các khu rừng dễ phát lửa, kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt ngay từ ban đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, do nắng nóng gay gắt, kéo dài, cấp độ cảnh báo cháy rừng tại Thành phố đang ở cấp 5 - cấp cao nhất. Đơn vị liên tục thông báo đến UBND các quận, huyện, phường, xã chỉ đạo theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp PCCC rừng; nghiêm cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì.

Các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định; phối hợp với ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng...

Chi cục Kiểm lâm cũng đã thành lập đội phản ứng nhanh PCCC rừng với 38 người, chia làm 3 tổ công tác hoạt động trên 3 địa bàn trọng điểm, gồm khu rừng bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và các khu rừng ở huyện Hòa Vang.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong tỉnh tăng cường bảo vệ rừng PCCC rừng thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2021.

Để chủ động, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, PCCC rừng.

UBND các huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)  và “5 sẵn sàng” (gồm thông tin, chủ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần) trong chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa nắng nóng. Đặc biệt giám sát và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố lân cận sẵn sàng tăng cường lực lượng và phương tiện cứu chữa hỗ trợ địa phương xảy ra cháy rừng; khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng vừa xảy ra; kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Tại Quảng Ngãi, ngay từ đầu mùa nắng nóng, Sở NN&PTNT đã lên phương án về huy động các lực lượng tham gia chữa cháy rừng nhằm bảo đảm chủ động và hiệu quả trong việc chỉ huy, điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu hỗ trợ cháy rừng khi xảy ra cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của địa phương ở những vùng trọng điểm và các khu vực có nguy cơ cháy cao.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ cho doạt động chữa cháy; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi cháy rừng xảy ra, kết hợp “5 sẵn sàng”.

Khi có cháy rừng lớn, hoặc nguy cơ cháy lớn, cháy rừng vùng giáp ranh giữa các huyện, vùng giáp ranh tỉnh khác thì lực lượng tham gia chữa cháy rừng bao gồm: Lực lượng cảnh sát, kiểm lâm, bộ đội, lực lượng tại địa phương xảy ra cháy rừng, chủ rừng có rừng bị cháy.

Chi cục Kiểm lâm phải thiết lập đường dây nóng, thông qua các mạng xã hội để thu nhận thông tin báo cháy rừng của người dân.

Lưu Hương