In bài viết

Các tỉnh Nam Trung Bộ khẩn trương ứng phó bão số 12

(Chinhphu.vn) – Bão số 12 được dự báo là cơn bão mạnh, nguy hiểm di chuyển nhanh, gây gió giật cấp 15 và có thể ảnh hưởng trực tiếp một số tỉnh Nam Trung Bộ. Hiện công tác ứng phó bão số 12 đang được các địa phương khẩn cấp triển khai.

03/11/2017 11:34
Cuộc họp về ứng phó bão số 12 của tỉnh Khánh Hòa sáng 3/11. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Khánh Hòa: Ứng phó với cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm nay

Sáng 3/11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Khánh Hòa họp khẩn bàn giải pháp ứng phó bão số 12.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Quốc phòng lưu ý đây là cơn bão mạnh nhất có thể đổ bộ vào Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ trong vòng 20 năm nay. Một điều đáng lo là Khánh Hòa ít bị bão đổ bộ nên tâm lý người dân còn chủ quan, ít có kinh nghiệm trong ứng phó với bão.

Vì vậy, ông Trương Đức Nghĩa đề nghị tỉnh tập trung cao độ để chủ động ứng phó, trong đó phát huy vai trò của lực lượng quân đội trong hỗ trợ ứng phó thiên tai; tập trung các biện pháp bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, nhất là các khu vực ven biển, vùng sạt lở…

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách khẩn trương cấp bách; người dân các địa phương trong tỉnh không được chủ quan, mà phải nhận thức được đây là cơn bão hết sức nguy hiểm để chủ động ứng phó”.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp phải xuống ngay cơ sở để phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với bão; tăng cường thông tin trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh, xe tuyên truyền lưu động để tuyên truyền cho cho người dân biết mức độ nguy hiểm, thời gian dự kiến bão đổ bộ để người dân biết.

Bộ đội Biên phòng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần rà soát lại để nắm bắt các phương tiện đang hoạt động trên biển để thông tin, hướng dẫn đến nơi tránh trú bão an toàn; cần kiểm tra hoạt động của tàu bè phục vụ du lịch, yêu cầu ngưng ngay việc đưa du khách đi lại trên biển.

Đối với các địa phương ven biển, dứt khoát phải di dời  người dân khỏi lồng bè về nơi an toàn trước 16 giờ chiều nay (3/11).

Các địa phương xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là ven biển, nơi có nguy cơ sạt lở khi bão đến lũ về phải khẩn trương sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 16 giờ chiều nay (3/11); dự trữ đủ lương thực, nước uống cho người dân trong những ngày mưa bão. Các địa phương cần liên hệ ngay với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để có phối hợp, hỗ trợ trong việc giúp đỡ người dân phòng chống lụt bão.

Theo rà soát, tổng số người dân ở các địa bàn trong tỉnh cần phải sơ tán khi bão đổ bộ là 133.535 người; trong đó sơ tán tại chỗ 34.818 người; sơ tán đến khu vực khác 98.717 người.

Trước đó, ngày 2/11,  UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn gửi các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan triển khai các phương án khẩn cấp ứng phó với mưa bão.

Sở GD&ĐT Khánh Hòa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, đơn vị trực thuộc về việc cho học sinh nghỉ học vì mưa lũ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa triển khai 500 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng huy động 8 đại đội dự bị động viên và 1.500 dân quân tự vệ các đơn vị, địa phương, sử dụng phương tiện hiện có tại các cơ quan, đơn vị và 15 ô tô, 20 ca nô các loại thực hiện nhiệm vụ .

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và hoạt động trên biển; có biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, xây dựng, đê, kè…; chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với tình huống, sự cố bất thường có thể xảy ra. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ động triển khai các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các địa phương và Sở Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn đối với các hồ thủy điện, chủ động hạ mực nước đón lũ, phối hợp điều tiết liên hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Sở GTVT triển khai đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không trên địa bàn tỉnh…

Bình Định: Các ngành, địa phương sẵn sàng phương án ứng phó bão số 12

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị liên quan tại các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, nhất là các tuyến đê biển, đê sông, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.

Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định yêu cầu trường hợp đang giảng dạy mà lũ lụt đến bất ngờ, hiệu trưởng khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương cử người trực đưa học sinh qua các đoạn đường nguy hiểm hoặc tạm giữ học sinh tại trường và thông báo cho gia đình học sinh biết, đến đón các em về. Tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt, các trường cần có phương án bảo vệ an toàn các trang thiết bị dạy học.

Sở Y tế Bình Định chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phòng chống lụt, bão để kịp thời hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong việc xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh môi trường trong và sau bão, lũ; bệnh viện tỉnh có phương án cụ thể để tiếp nhận, điều trị tại chỗ và hỗ trợ tuyến dưới trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong những ngày mưa, lũ.

Bình Thuận ban hành lệnh cấm biển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam vừa ký quyết định cấm tàu thuyền ra biển theo Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 1/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, yêu cầu các địa phương phát lệnh gọi các tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi trong vùng có khả năng ảnh hưởng bão phải khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.

Chú ý không để tàu thuyền neo đậu gần cầu, ràng buộc vào các trụ cầu, không để tàu thuyền trôi ra gây thiệt hại. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó bão; phải phân công trực để chỉ đạo và trực tiếp báo cáo tình hình khi cần thiết.

Khi bão đổ bộ, việc ưu tiên số 1 là tập trung cứu người, cứu tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chú ý phương án di dời dân ven sông, ven biển đến nơi an toàn./.

Văn Ba