In bài viết

Các tỉnh phía bắc chủ động ứng phó bão số 1

(Chinhphu.vn) - Trước dự báo tối và đêm nay (27/7), bão số 1 sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, các địa phương phía bắc đang khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn bão này.

27/07/2016 09:18

Đường đi của bão số 1 (nhấp chuột vào hình để phóng to). Ảnh: nchmf
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng có công điện yêu cầu bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn; tổ chức neo đậu tầu, thuyền trong các khu trú tránh; di chuyển lồng bè thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải.

Chủ động thực hiện phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven biển, khu du lịch biển, vùng trũng thấp, các khu nhà cũ bị xuống cấp xung yếu, khu du lịch biển. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vĩ)…

Chủ động điều tiết nước trong hệ thống thủy lợi để bảo vệ hoa màu, mạ, lúa mới cấy; khơi thông cống, kênh tiêu thoát nước, hạ thấp nước trong các hồ điều hòa để chủ động phòng chống ngập úng đô thị; tổ chức cắt tỉa cành và bảo vệ cây xanh. Đồng thời yêu cầu duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thành phố.

Còn tại Nam Định, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 11h ngày 27/7 cho đến khi bão tan.

Các địa phương, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Các xã, thị trấn ven biển theo dõi, kiểm đếm và thông báo cho nhân dân chằng buộc tàu thuyền cẩn thận không để trôi dạt; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, yêu cầu tất cả tàu, thuyền, người lao động tại các chòi canh ngao, vùng nuôi trồng thủy hải sản bên ngoài đê biển vào bờ trước 10h ngày 27/7; đồng thời rà soát lại số lượng nhà tạm, nhà yếu để có phương án di dời người dân khi có lệnh.

Các địa phương tích cực tiêu rút nước đệm chống úng để bảo vệ trên 76.700 ha lúa mùa mới cấy; có giải pháp bảo đảm an toàn cho các công trình, nhà cửa, đê điều, bến cảng, kho tàng ở khu vực ven biển; tổ chức trực ban 24/24 và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh Lê Hồng Thắng cho biết, Cảng vụ Đường thủy tạm dừng cấp lệnh xuất bến đối với các tàu vận chuyển hành khách đi các tuyến đảo của huyện Vân Đồn và Cô Tô.

Từ sáng 27/7, các tàu du lịch cũng có thể phải tạm dừng việc đưa đón khách tham quan du lịch vịnh Hạ Long. Cảng vụ yêu cầu tất cả các tàu du lịch phải khẩn trương về nơi tránh bão an toàn vào thời điểm đầu giờ chiều nay.

Theo ông Lê Hồng Thắng, đối với các tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, ngày 26/7 vẫn cấp lệnh xuất bến bình thường. Tuy nhiên, Cảng vụ đã thông báo đến các chủ tàu trong sáng 27/7 phải chủ động sớm đưa tàu cập bến và nhanh chóng di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn trước đầu giờ chiều nay.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô Đào Văn Vũ, đến 17h ngày 26/7, trên đảo còn khoảng 600 khách du lịch. Từ ngày 25/7, huyện đã dùng loa phát thanh thông tin, khuyến cáo khách du lịch sớm quay trở lại đất liền để phòng tránh bão. Tuy nhiên, những khách du lịch nào có nhu cầu ở lại, huyện vẫn có đủ dự trữ lương thực, thực phẩm cung cấp, phục vụ du khách.

Chiều 26/7, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có công điện số 13/CĐ-UBND về chủ động các biện pháp phòng chống bão số 1, yêu cầu các địa phương nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi về nơi tránh trú bão an toàn; thông báo, tuyên truyền người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản có biện pháp chằng, chống bè và di chuyển về nơi an toàn; sẵn sàng phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở, vùng trũng…; tổ chức bảo đảm an toàn các hầm lò, bến cảng, kiểm soát người qua lại trên các tuyến đường ngầm, đường bị ngập, qua sông suối để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân...

Để chủ động phòng tránh bão số 1 trên biển, vào lúc 16h chiều 26/7, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định đã có công điện khẩn yêu cầu chủ động công tác phòng tránh bão số 1 và chuẩn bị các phương án tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, tích cực kêu gọi tàu thuyền trên biển tìm nơi trú bão và di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão; tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn tại các âu thuyền, các cảng cá tránh bị gió to va đập chìm tàu.

Theo đó, toàn bộ tàu thuyền đã nhận được thông tin bão số 1 và đang tìm nơi trú ẩn hoặc đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão số 1.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình cũng đã có các công điện khẩn yêu cầu chủ động kêu gọi tàu thuyền trên biển, di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi thủy sản, các hộ dân sinh sống ngoài đê chính và các hộ đang sinh sống trong các khu nhà yếu vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ; sắp xếp tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; rà soát và có phương án bảo vệ an toàn các công trình đê, kè, cống trên toàn bộ hệ thống; chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bảo đảm an toàn trong mưa bão; phân công lực lượng ứng trực, sẵn sàng xử lý khi có tình huống theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động mở cống tiêu nước trên hệ thống sông trục, sẵn sàng phương án chống úng khi có yêu cầu.

T. Minh (tổng hợp)