In bài viết

Các trường đại học cần hướng tới đa ngành, đa lĩnh vực

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động hiện đại.

04/06/2022 14:37
Bàn về mô hình của các ĐH Việt Nam –  đáp ứng yêu cầu nhân lực ngày càng cao - Ảnh 1.

Hội thảo về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 4/6, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam.

Các đại biểu đã nghe và thảo luận về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam, nhất là  những vướng mắc, bất cập trong thực thi quy định pháp luật về tự chủ đại học.

Tại  hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, kể từ năm 2013 đến nay, ĐHQGHN được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động và đã thực hiện tốt các quyền này, đồng thời đã phân chia thành 3 cấp quản lý rõ rệt: Cấp ĐHQGHN; Cấp đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc; Cấp khoa, viện, trung tâm và tương đương trực thuộc đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc.

Các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế chuyên môn hóa và tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đảm bảo trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của ĐHQGHN. 

Quản trị trong ĐHQGHN được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra. Đồng thời, ĐHQGHN khuyến khích các trường thành viên tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và quá trình hội nhập. Với mô hình đặc thù, hai ĐHQG được quyền tự chủ cao về chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và về tài chính, tài sản.

Đại diện lãnh đạo ĐHQGHN cũng đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các điều kiện tự chủ của ĐHQGHN. 

Đó là việc triển khai mô hình hội đồng các trường đại học thành viên; phân định mức độ tự chủ của các trường đại học thành viên trong bức tranh tự chủ chung của ĐHQGHN; phân loại tổ chức, cơ chế chính sách về điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc của ĐHQGHN.

Về cơ chế chính sách và các quy định khác của pháp luật, ĐHQGHN gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. 

Cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao còn hạn chế, bất cập. 

Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQGHN vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định.

Chính vì vậy, ĐHQGHN đề xuất, kiến nghị được Chính phủ trao các quyền tự chủ cao hơn cho hai ĐHQG trong các văn bản Nghị định và Quy chế mới thay thế Nghị định 186 và Quy chế 26.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục còn kiến nghị, đề xuất cơ chế, giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy các đại học phát triển xứng tầm nhiệm vụ được giao, giúp từng bước khẳng định vị thế và uy tín của các đại học hàng đầu Việt Nam cũng như tiếp cận với trình độ khu vực và trên thế giới.

Nhật Nam