In bài viết

Các trường hợp không phải điều chỉnh phạm vi hành nghề

(Chinhphu.vn) - Ông Bùi Công Nhớ (Long An) là bác sĩ, tháng 10/2023 được cấp chứng chỉ hành nghề nội khoa. Tháng 3-6/2024, ông học nội soi phế quản chẩn đoán tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

15/01/2025 09:02

Ông Nhớ hỏi, sau khi nhận chứng chỉ nội soi phế quản thì ông có được đứng tên để thực hiện nội soi phế quản và chẩn đoán bệnh không? Có được BHYT xuất toán các thủ thuật không?

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP

"9. Phạm vi hành nghề là nội dung công việc mà người hành nghề được làm, được thể hiện trong một hoặc các văn bản sau đây:

a) Phạm vi hành nghề trên giấy phép hành nghề;

b) Quyết định điều chỉnh phạm vi hành nghề do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cấp;

c) Văn bản cho phép thực hiện kỹ thuật của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 và Khoản 3 Điều 125 Nghị định này".

Tại Khoản 3 Điều 125 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định như sau:

"3. Trường hợp người hành nghề tham gia các khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại Khoản 3 Điều 128 Nghị định này hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận (bao gồm cả các chứng chỉ, giấy chứng nhận được cấp trước ngày 1/1/2024) chưa có trong phạm vi hành nghề đã được cấp thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề mà căn cứ chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép người hành nghề thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo bằng văn bản.

Trường hợp người hành nghề được chuyển giao kỹ thuật đối với kỹ thuật chưa có trong phạm vi hành nghề đã được cấp thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề mà căn cứ chứng nhận đủ năng lực thực hiện kỹ thuật theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 85 Nghị định này, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép người hành nghề thực hiện kỹ thuật đã được chuyển giao bằng văn bản".

Như vậy, ông có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa nội khoa và chứng chỉ đào tạo về nội soi phế quản chẩn đoán, can thiệp, ông được phép thực hiện các kỹ thuật nội soi phế quản chẩn đoán, can thiệp khi ông được người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo bằng văn bản.

Chinhphu.vn